1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nghệ An:

Hỗ trợ người dân mà rón rén, sợ sai thì làm thế nào được?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBX&H, việc hỗ trợ phải thực hiện theo tinh thần "cứu người đuối nước", đừng làm theo kiểu rón rén, sợ sai để người dân thiệt thòi.

Chưa phát sinh khiếu nại 

Ngày 27/10, Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra dẫn đầu, đã làm việc với tỉnh Nghệ An về việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn.

Hỗ trợ người dân mà rón rén, sợ sai thì làm thế nào được? - 1

Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH làm việc với tỉnh Nghệ An về triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn (Ảnh: Hoàng Lam).

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, đến thời điểm này có 7.155 đơn vị với 155.487 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 14,245 tỷ đồng; 13 đơn vị tương ứng 821 lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, số tiền 5,6 tỷ đồng.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đến nay, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt hỗ trợ 46.041 lượt đối tượng, trong đó có 41.456 đối tượng thụ hưởng trực tiếp, hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ mang thai và trẻ em là 4.585 người với kinh phí hơn 67,763 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,5% số đối tượng dự kiến hỗ trợ, 33,3% kinh phí dự kiến.

Đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, đến nay cơ bản Nghệ An đã hoàn thành việc xác định số lượng giảm đóng cho 6.943 đơn vị, với 158.911 lao động, kinh phí tạm tính được điều chỉnh (từ tháng 10/2021-9/2022) khoảng 85,6 tỷ đồng.

Đến ngày 25/10, 66.230 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 5.425 người dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được nhận hỗ trợ với số tiền 170 tỷ đồng.

Hỗ trợ người dân mà rón rén, sợ sai thì làm thế nào được? - 2

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của tỉnh Nghệ An trong thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lam).

Bà Nguyễn Thị Châu Loan khẳng định với sự chủ động phối hợp giữa nhiều đơn vị, sở ngành, địa phương, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

"Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa có đơn thư khiếu nại, tố cáo phản ánh việc thực hiện sai quy định của Trung ương, của tỉnh về gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An khẳng định.

Tại buổi làm việc, đại diện một số sở, ngành, địa phương trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, trong đó có nội dung liên quan đến việc xác định cơ quan, đơn vị tự chủ về tài chính, tự chủ bao nhiêu phần...

Hỗ trợ người dân như... cứu người đuối nước

Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng đánh giá rất cao nỗ lực, tư tưởng lấy người dân làm trung tâm của tỉnh Nghệ An và ngành LĐ-TB&XH tỉnh này. Sự quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và cơ bản đúng đối tượng trong thực hiện các nghị quyết hỗ trợ là hết sức thiết thực với người dân trong lúc này.

Riêng với việc hỗ trợ nhóm giáo viên mầm non trong các trường tư thục, Chánh Thanh tra đánh giá Nghệ An đã có đột phá lớn khi hỗ trợ kịp thời. Về các nhóm lao động khác, tỉnh Nghệ An cũng đã làm rất tốt.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý địa phương phải xác định được tỉ lệ đã được giải quyết hỗ trợ chiếm bao nhiêu trong tổng số đối tượng dự kiến hỗ trợ.

Đoàn kiểm tra Bộ LĐ-TB&XH làm việc tại Nghệ An (T/h: Hoàng Lam)

"Tinh thần hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải như cứu người đuối nước. Làm mà rón rén, sợ sai thì làm thế nào được?. Phải làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt để hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, không làm mất đi tính nhân văn của các chương trình hỗ trợ an sinh của Chính phủ", ông Tùng nhấn mạnh.

Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng đặc biệt lưu ý tỉnh Nghệ An trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ở các tỉnh khác về quê trốn dịch. Ngành LĐ-TB&XH phải khảo sát, nắm bắt thông tin người lao động có nhu cầu quay trở lại các doanh nghiệp ngoại tỉnh để làm việc, phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ  một cách thiết thực.

Mặc dù với yêu cầu về người lao động của các doanh nghiệp nội tỉnh lớn nhưng không vì thế mà cát cứ, ngăn cản lao động trở lại địa phương khác làm việc. Phải đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất ở bất cứ tỉnh nào, ngành nào, lĩnh vực nào.

Hỗ trợ người dân mà rón rén, sợ sai thì làm thế nào được? - 3

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định Nghệ An hết sức quan tâm đến nhóm công dân, lao động trở về từ các tỉnh có dịch phía Nam (Ảnh: Hoàng Lam).

"Không chỉ lo cho tỉnh ta, mà phải lo cho người dân ta, lo cho tỉnh bạn để bù đắp thiếu hụt nguồn lao động do về quê tránh dịch. Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và Bộ hết sức quan tâm", Chánh Thanh tra lưu ý.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An, đoàn sẽ ghi nhận và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ để tháo gỡ. Liên quan đến nội dung xác định đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng cho biết sẽ báo cáo Bộ để sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.

Hiện tại, BHXH tỉnh Nghệ An phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xác nhận doanh nghiệp tự chủ tài chính được bao nhiêu phần trăm để chủ động giải quyết cho phù hợp với từng doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có cơ hội phục hồi phát triển kinh tế.