"Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trước những thắc mắc của cơ sở, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu bám vào quy định, hiểu quy định một cách đơn giản để làm. Cần xác định rõ đối tượng để hỗ trợ, tránh cào bằng, chia đều.

Nhiều băn khoăn từ cơ sở

Trong khuôn khổ chuyến kiểm tra triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Nghệ An, chiều 27/10, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với thành phố Vinh.

Thành phố Vinh là địa phương bị ảnh hưởng sâu của dịch Covid-19 với 2 đợt giãn cách xã hội. Riêng cuối tháng 8 đến gần hết tháng 9, địa phương này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 nâng cao. Trong khi đó, đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 và Nghị quyết 116 tại địa phương này rất cao.

Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý - 1

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH: Cần phải bám quy định, hiểu quy định một cách đơn giải để triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lam).

Những yếu tố khách quan đó đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương còn lúng túng hoặc nảy sinh một số vướng mắc liên quan đến việc phân nhóm đối tượng lao động tự do hay các điều kiện hỗ trợ liên quan đến hộ kinh doanh, người cách ly.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Chủ tịch phường Quang Trung (thành phố Vinh) cho rằng cần quy định cụ thể hơn về nhóm đối tượng lao động tự do để các địa phương dễ áp dụng và triển khai, tránh để người dân băn khoăn, thắc mắc.

Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý - 2

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Chủ tịch phường Quang Trung: Cần quy định cụ thể hơn về nhóm đối tượng lao động tự do (Ảnh: Hoàng Lam).

"Theo Quyết định 22 của tỉnh, phụ hồ được hỗ trợ nhưng thợ đóng cốp pha, cốt thép cũng thuộc nhóm ngành xây dựng nhưng lại không được hỗ trợ. Người dân rất thắc mắc", ông Cảnh cho hay.

Đồng quan điểm, đại diện UBND xã Nghi Ân cũng cho rằng nên đưa những đối tượng "đồng dạng" vào một nhóm hỗ trợ: "Mức hỗ trợ có thể không nhiều nhưng cần phải bao phủ hơn, tránh khi hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ người dân thắc mắc, bức xúc".

Đại diện ngành y tế thành phố cho biết, đến thời điểm này đang rốt ráo hoàn thành rà soát, đề nghị cấp trên bố trí ngân sách để hỗ trợ cho nhóm đối tượng F1 .

Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý - 3

"Mức hỗ trợ có thể không nhiều nhưng cần phải bao phủ hơn, tránh khi hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ người dân thắc mắc, bức xúc", đại diện xã Nghi Ân kiến nghị (Ảnh: Hoàng Lam).

"Liên quan đến một trường hợp F0 tại xã Hưng Hòa, do người này buôn bán ở chợ nên 410 người có liên quan được chính quyền địa phương yêu cầu cách ly tại nhà nhưng không ban hành quyết định cách ly, trong danh sách cách ly không thể hiện họ là F1, vậy thì có được hỗ trợ hay không? Hoặc một trường hợp là F1, phải cách ly 2 lần, quá 21 ngày theo quy định về thời gian cách ly thì hỗ trợ như thế nào?", đại diện Trung tâm y tế thành phố Vinh hỏi.

Bám quy định để làm

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cùng thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ đã lần lượt giải đáp những thắc mắc của các địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các đơn vị phải bám vào quy định hiện có và hiểu quy định một cách đơn giản nhất để giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người dân.

"Cán bộ và chính quyền cơ sở phải nắm chắc các quy định để giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân, cái gì có thể giải quyết được thì chủ động giải quyết, tránh "đùn đẩy" lên cấp trên. Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý.

Bởi vậy khi người dân thắc mắc phải giải thích cho người dân rõ, nếu chưa thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định thì mong người dân thông cảm. Hỗ trợ phải công bằng nhưng không phải cào bằng, nhóm nào bị ảnh hưởng nhiều hơn, tác động sâu hơn thì hỗ trợ trước", Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý - 4

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An khẳng định tỉnh không ban hành thêm thủ tục nào ngoài các quy định của Trung ương. Bởi vậy, các địa phương phải bám các văn bản, các quy định để giải thích rõ cho người dân.

Liên quan đến nhóm đối tượng lao động tự do, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho rằng, khi ban hành Quyết định 22 quy định nhóm đối tượng lao động tự do và mức hỗ trợ, đơn vị đã nghiên cứu các quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, các văn bản mà Trung ương trả lời các tỉnh cũng như lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương.

"So với Nghị quyết 42 của Chính phủ thì Quyết định 22 của tỉnh Nghệ An đã mở rộng thêm 15 nhóm ngành nghề được hỗ trợ. Nhóm lao động nào bị tác động mạnh hơn, sâu hơn bởi dịch Covid-19 thì hỗ trợ trước, trong bối cảnh ngân sách có hạn không thể bao phủ hết các đối tượng được. Nếu gói hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19 được mở rộng thì ngành sẽ nghiên cứu để đưa các nhóm đối tượng lao động tự do còn lại vào", ông Đoàn Hồng Vũ lý giải.

Chính sách hỗ trợ không phải cái bánh, để chia đều mỗi người một tý - 5

Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Lam).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An khẳng định tỉnh không ban hành thêm thủ tục nào ngoài các quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Trung ương. Bởi vậy, các địa phương phải bám các văn bản, các quy định để giải thích rõ cho người dân.

"Có khối trưởng than với tôi người dân mang hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến nộp là phải nhận, không nhận thì sợ người dân chửi. Nhận hồ sơ thì dễ, trả thì khó. Bởi vậy phải "bám theo ô", đối tượng rơi vào ô nào thì mới nhận hồ sơ, không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ thì phải trả lại và giải thích rõ cho người dân", ông Vũ lưu ý.

Về các kiến nghị, đề xuất của thành phố Vinh liên quan đến triển khai các chính sách hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ báo cáo Bộ và Chính phủ để có chính sách kịp thời, đặc biệt là về nguồn ngân sách để tỉnh chi trả hỗ trợ cho người dân một cách nhanh nhất.