Giải pháp đưa cá tra tiến vào những thị trường khắt khe nhất
(Dân trí) - Với khẩu hiệu "Hành trình xanh - Giá trị xanh", tỉnh Đồng Tháp đang chuyển đổi sản xuất ngành hàng cá tra để phát triển bền vững, đưa sản phẩm tiến vào những thị trường khắt khe nhất.
Trong các ngày 15-17/11, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra với khẩu hiệu "Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh". Lễ hội có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh ngành hàng, nâng cao, khẳng định giá trị sản phẩm, tái tạo nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra…
Ngày 17/11, trong khuôn khổ Ngày hội cá tra, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo thông tin tại hội nghị, diện tích nuôi cá tra năm 2024 ở Việt Nam đạt gần 5.400ha, giảm 5% so với năm 2023, sản lượng cá tra ước đạt 1,67 triệu tấn, xấp xỉ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá bán tăng, kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm đạt 1,56 tỷ USD, tăng gần 9% cùng kỳ năm ngoái, cả năm ước đạt 2 tỷ USD.
Dự báo thị trường sẽ tốt lên, gia tăng, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu năm 2025 sẽ xuất khẩu 1,65 triệu tấn, thu về 2 tỷ USD.
Riêng tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tỉnh.
Đồng Tháp có hơn 2.600ha ao nuôi, sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 540.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2023. Tỉnh có hơn 900 cơ sở sản xuất và ương dưỡng cá tra giống. Năm 2024, các cơ sở ở Đồng Tháp ước tính sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống…
Tại hội nghị, các đơn vị quản lý nghành hàng, chuyên gia, doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra đều quan tâm đến việc sản xuất bền vững, xanh hóa giá trị sản phẩm để nâng cao thương hiệu, giúp cá tra Việt Nam tiến vào những thị trường khắt khe bậc nhất như cộng đồng các quốc gia Hồi giáo với hơn 2 tỷ dân.
Chuyên gia cho rằng khi áp dụng đồng bộ công nghệ mới trong quá trình nuôi, mỗi ha ao nuôi cá tra mỗi năm có thể giảm phát thải đến hơn 800 tấn CO2. Hơn nữa, với công nghệ nuôi hiện đại, tỷ lệ cá sống sẽ được nâng cao, tăng hiệu quả sản xuất.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Hùng (Đồng Tháp), đại diện một trong những doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra lớn bậc nhất Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp về việc xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận giảm phát thải để xuất khẩu đa dạng hơn với các thị trường.
Ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp ao nuôi để cơ quan chức năng thí điểm áp dụng công nghệ sản xuất mới. Ông cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ khâu sản xuất cá giống và chuẩn hóa việc sản xuất cá tra giống để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết thêm, phế phẩm chế biến chiếm đến hơn 60% khối lượng con cá tra. Tận dụng được lượng phế phẩm này sẽ góp phần giúp tăng giá trị ngành hàng.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng.
Thứ trưởng kêu gọi tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị cá tra, tận dụng phế phụ phẩm để tăng hiệu quả sản xuất. Ông Tiến cho biết, tăng trưởng xanh là xu thế, ngành nào đi trước sẽ có lợi thế.
Thứ trưởng NN&PTNT đề nghị tỉnh Đồng Tháp xây dựng vùng sản xuất cá tra giống chất lượng cao cho cả ngành hàng của khu vực, Bộ sẽ hỗ trợ.