1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lời giải cho phát triển xanh Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, Mekong Startup đã nêu kiến giải cho 2 bài toán giải pháp phát triển xanh, bền vững và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ĐBSCL.

Trong 2 ngày 15-16/11, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần II năm 2024. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển" đã thu hút hàng trăm diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Tại phiên toàn thể, các chuyên gia đã thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức để kết nối, thúc đẩy nguồn lực công - tư nhằm phát triển kinh tế xanh đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng biến đổi khí hậu.

Lời giải cho phát triển xanh Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: CTV).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, các ý kiến đều xoay quanh việc nêu lời giải cho hai bài toán khó. Đầu tiên là làm rõ xu hướng mới, mô hình và giải pháp phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL. Thứ 2 là bài toán thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế.

Ông Nghĩa khẳng định, diễn đàn là "địa chỉ đỏ" cho khởi nghiệp sáng tạo, đã trở thành nền tảng kết nối và thúc đẩy hành động của cả khu vực công và tư. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo và ứng dụng công nghệ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL của Chính phủ, góp phần đưa Đồng Tháp trở thành trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh của vùng.

Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ là nền tảng hợp tác bền vững công - tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh tế xanh và chuyển đổi số, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, du lịch và các ngành công nghiệp xanh.

Thông qua diễn đàn và các hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp ở ĐBSCL, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, du lịch bền vững và chuyển đổi số sẽ tăng cường kết nối các nguồn lực, kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Nghĩa, việc các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp xanh tiêu biểu được tôn vinh tại diễn đàn sẽ tạo động lực để kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và các nhà khoa học cùng chung tay xây dựng nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.

Lời giải cho phát triển xanh Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu - 2

Tác giả của những mô hình kinh tế xanh có cơ hội kết nối nguồn lực thông qua diễn đàn (Ảnh: CTV).

Một trong những thành công quan trọng của diễn đàn lần này là sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ĐBSCL. Các thành phần của hệ sinh thái này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững, phục vụ lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Ông Nghĩa nhận định, sự kiện đã góp phần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế xã hội của khu vực, tạo cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy các giải pháp sáng tạo cho việc phát triển bền vững khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá diễn đàn năm nay đã nêu giải pháp thiết thực cho bài toán chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế bền vững khu vực. Ý kiến của các chuyên gia, diễn giả sẽ được ban tổ chức tập hợp, xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm