1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giai đoạn 2021-2025: Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn

(Dân trí) - Giai đoạn 2021-2025, hàng năm đào tạo nghề các trình độ cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn. Trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn.

Giai đoạn 2021-2025: Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn - 1

Đây là mục tiêu được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đặt ra đối với việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Riêng năm 2020, mục tiêu Tổng cục đặt ra là đào tạo nghề các cấp trình độ cho 1,43 triệu lao động nông thôn.

Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 950.000 lao động nông thôn (350.000 người học nghề nông nghiệp, 640.000 người học nghề phi nông nghiệp). Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá và tổ chức tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Trong đó, có sự so sánh, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu trong Đề án, kế hoạch thực hiện, chỉ ra nguyên nhân, đề xuất kiến nghị triển khai thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020.

Giai đoạn 2021-2025: Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn - 2

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào năm 2020, kết quả thực hiện đào tạo nghề nghiệp giai đoạn sau 2020 và định kỳ (6 tháng, hàng năm). Tổ chức đánh giá thẳng thắn, tránh hình thức về kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề nghiệp báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt ban hành danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng nghề, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra và minh chứng kèm theo để làm cơ sở đặt hàng đào tạo. Rà soát, đánh giá lại hoạt động của các Trung tâm GDNN-GDTX sau sát nhập. Xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

Giai đoạn 2021-2025: Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn - 3

Xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội, vị trí việc làm của doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất và quy hoạt phát triển kinh tế của các Vùng/miền trong cả nước.

Cũng theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương của Đề án để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động nữ.

Giai đoạn 2021-2025: Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn - 4

Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020 (năm cuối cùng thực hiện Đề án).

Trong đó, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp; đào tạo nghề phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP” và đào tạo nghề cho người đi làm việc ở nước ngoài. “Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học”.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện về chính sách, giải pháp, các nội dung hoạt động của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào năm 2020, đề nghị xây dựng Dự án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Kiên Trung