Giai đoạn 2010-2015: hơn 7,8 triệu người được tạo việc làm

(Dân trí) - Sáng 25/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn năm 2016-2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.


Hội nghị trực tuyến do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức

Hội nghị trực tuyến do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức

Nhận định về công tác của Ngành LĐ-TB&XH trong 5 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ biểu dương những nỗ lực của của Ngành trong công tác triển khai trong nhiều lĩnh vực như lao động việc làm, người có công và an sinh xã hội.

Điểm lại từng nét lớn trong các lĩnh vực triển khai của ngành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của công tác đánh giá kết quả thực hiện, từ đó đề ra những nhiệm vụ cần làm giai đoạn tới.

Theo sự phân công của Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH hiện đang đảm nhiệm công tác thực hiện chính sách cho nhiều vấn đề của cuộc sống như: Việc làm, tiền lương, dạy nghề, người có công, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, phòng - chống tệ nạn xã hội…

Đơn cử trong lĩnh vực việc làm, Phó Thủ tướng lưu ý tới vai trò định hướng và đưa ra các giải pháp để giảm tình trạng thất nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên. “Về lĩnh vực lao động, hàng năm hàng nghìn sinh viên ra trường. Để giải quyết nhu cầu việc làm, không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn. Để khắc phục tình trạng thất nghiệp, chúng ta phải rà soát lại, chuyển đổi, tự chủ, gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động...”.

Trong công tác dạy nghề, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Cần tập trung đổi mới thực chất đề án đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn. Chỉ mở lớp khi người dân có nhu cầu, chứ không phải học chỉ để mà học. Công tác dạy nghề phải thật sự thực chất”.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận, công tác tạo việc làm và giảm thất nghiệp đòi hỏi sự đồng bộ vào cuộc của nhiều cấp ngành, trong đó Bộ LĐ-TB&XH là một trong những ngành đi đầu.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, giai đoạn năm 2016-2020, ngành LĐ-TB7XH đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng bình đẳng, tạo nền ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, giai đoạn 2011-2015, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực trong tham mưu hoạch định chính sách, công tác lao động, người có công và xã hội đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Những kết quả nổi bật của Ngành LĐ-TB&XH trong giai đoạn qua như: Tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người; khoảng 8,6 triệu lao động được đào tạo, tăng gấp 3 lần so với gia đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015.

Trong lĩnh vực giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); lĩnh vực Người có công được hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp; học sinh VN đã giành được huy chương Đồng tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43...

Nhấn mạnh nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, nữ Bộ trưởng cho rằng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Tôi yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu trên cả nước, cùng tập trung rà soát, đánh giá cụ thể, rõ nét những thành quả, kết quả đã đạt được trong 5 năm qua cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong giai đoạn 2016-2020”.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thiết thực, mang tính chiến lược và lâu dài, đóng góp những sáng kiến, đề xuất đối với Bộ, ngành trong công tác hoạch định chính sách cũng như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong 5 năm tới.

Các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao cho ngành giai đoạn 5 năm 2016-2020 và năm 2016:

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2020, năm 2016 là 53%; Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm, năm 2016 là 1,3-1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%).

Chỉ tiêu kế hoạch của Ngành LĐ-TB&XH đặt ra:

Tạo việc làm, phát triển trị trường lao động: Giải quyết việc làm cho 7.500 - 8.000 người gồm tạo việc làm trong nước cho 7.000 – 7.500 nghìn người.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020, năm 2016 đạt 23-25%...

Giáo dục nghề nghiệp: Tuyển mới 10.750 nghìn người (trong đó, trình độ trung cấp và cao đẳng là 1.350 nghìn người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 9.400 nghìn người)…

Chăm sóc người có công: Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, năm 2016 là 98,5%...

Bảo trợ xã hội: 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Đến năm 2020 có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, năm 2016 khoảng 86%...

Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 90% vào năm 2020, năm 2016 là 74%...

Hoàng Mạnh