Bộ LĐ-TB&XH: Đề án XKLĐ sang Nhật Bản sẽ ban hành cuối năm 2015

“VN có 21.870 thực tập sinh tại Nhật Bản. Nhu cầu sẽ tăng nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Đề án mới sẽ tập trung thắt chặt quy định tuyển chọn, đào tạo, thu phí của doanh nghiệp phái cử lao động VN sang làm thực tập sinh tại Nhật Bản…”


Nguồn việc của thực tập sinh tại Nhật bản khác đa dạng và thu nhập hấp dẫn. (Ảnh minh họa)

Nguồn việc của thực tập sinh tại Nhật bản khác đa dạng và thu nhập hấp dẫn. (Ảnh minh họa)

Đây là nội dung của Dự thảo Đề án chấn chỉnh hoạt động đưa lao động VN đi thực tập tại Nhật Bản. Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến và ban hành trong năm 2015.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Nhật Bản là thị trường lao động tiếp nhận nhiều thực tập sinh VN.

Số lượng thực tập sang Nhật Bản tăng nhanh. Năm 2014, VN có 19.766 thực tập sinh, tăng gấp đôi so với năm 2013. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2015, VN đã đưa 21.870 thực tập sinh sang Nhật Bản.

Về cơ bản thực tập sinh VN được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá tốt.

“Tuy nhiên, công tác đưa thực tập sinh VN sang Nhật Bản đã xuất hiện một số hiện tượng không tốt, ảnh hưởnh đến việc mở rộng thị trường lao động tại Nhật Bản” - bà Vân Hà, Trưởng phòng tuyên truyền Cục Quản lý lao động Ngoài nước, cho biết.

Theo quy định, doanh nghiệp XKLĐ đối tượng thực tập sinh sang Nhật Bản chỉ được thu mức phí dịch vụ không quá 1.200 USD/người/một năm và phí đào tạo không quá 5,9 triệu đồng/người/khóa tiếng Nhật với thời lượng 520 tiết/khóa học. Thời hạn thực tập sinh thường kéo dài 3 năm.

Qua tìm hiểu của Cục Quản lý lao động cho thấy, nhiều thực tập sinh VN đang phải nộp cho doanh nghiệp XKLĐ mức phí cao hơn so với quy định, không ít lao động chịu nhiều chi phí đăng ký đi thực tập Nhật Bản nhưng bất thành.

Trong khi đó tại Nhật Bản, nhiều thực tập sinh VN đã vi phạm pháp luật nước sở tại, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của thực tập sinh VN.

Bộ LĐ-TB&XH: Đề án XKLĐ sang Nhật Bản sẽ ban hành cuối năm 2015 - 2

Để lành mạnh hóa thị trường và đảm bảo giữa ổn định, nâng cao chất lượng thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị triển khai Đề án chấn chỉnh hoạt động đưa lao động VN đi Thực tập tại Nhật Bản.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Dự thảo đề án có các nội dung cơ bản như:

Quy định về các điều kiện đối với doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản:

Doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải là những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp phải có bộ máy và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, gồm: Cán bộ chuyên trách thị trường Nhật Bản, cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết, có cơ sở đào tạo đáp đủ tiêu chuẩn…

Quy định về tuyển chọn, đào tạo: Doanh nghiệp chỉ được tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã đăng ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép thực hiện. Số lượng tuyển chọn không vượt quá số lượng đã đăng ký.

Doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh theo quy định cho thực tập sinh trước khi đi.

Minh bạch hóa các khoản phí hợp pháp từ phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp phái cử được phép thu từ thực tập sinh phí đào tạo tiếng Nhật và phí dịch vụ.

Trong đó, doanh nghiệp chỉ được thu khoản phí dịch vụ sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú. Đồng thời, doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh.

Đặc biệt, doanh nghiệp không được thu tiền môi giới.

Công tác quản lý tu nghiệp sinh tại Nhật Bản: Dự thảo Đề án quy định, các doanh nghiệp phái cử phải quản lý thực tập sinh do doanh nghiệp đưa đi; hỗ trợ và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thực tập sinh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh cũng như giảm thiểu các trường hợp thực tập sinh vi phạm pháp luật nước sở tại. Với các doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao hơn mức qui định, sẽ bị xử lý tạm định chỉ hoạt động để chấn chỉnh.

Hoàng Mạnh