1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giải "cơn khát" lao động trước mùa du lịch mới

Thanh Tùng

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến những người làm dịch vụ du lịch đối mặt với muôn vàn khó khăn suốt hai năm qua. Nhiều lao động bất đắc dĩ phải bỏ nghề, tìm công việc mới để mưu sinh.

Dịch kéo dài, lao động du lịch đổi nghề

Có thâm niên hành nghề lái xe taxi ở khu du lịch biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã nhiều năm, nhưng cuối 2021, anh Lê Văn Dậu (ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) cực chẳng đã phải bán xe, kiếm việc làm khác.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 1

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, suốt hai năm qua, ngành du lịch ở thành phố Sầm Sơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng, rơi vào trạng thái "ngủ đông".

Theo anh Dậu, 2 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát khiến lượng khách du lịch giảm sút, những người làm dịch vụ vận tải hành khách như anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Có những ngày sáng chạy xe ra, tối chạy xe về nhà mà không kiếm được lấy một đồng. Khách không có, thi thoảng một vài người thân gọi chở đi công việc cũng chỉ đủ đóng tiền tổng đài hàng tháng, gần như không kiếm được tiền chi tiêu cuộc sống hằng ngày cho gia đình", anh Dậu chia sẻ.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 2

Không có khách, nhiều tài xế taxi đã phải bán xe để tìm công việc mới.

Sau khi bán xe taxi, anh đã chuyển nghề đi biển để mưu sinh. "Đợi thời gian tới, nếu du lịch ổn định, du khách đông, tôi sẽ quay lại với nghề taxi", anh Dậu tâm sự.

Tương tự, anh Cao Văn Vinh, chủ xe điện ở phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn cho biết, hai năm dịch bệnh vừa qua anh phải chật vật trang trải cuộc sống. Không có khách, xe điện "đắp chiếu" dài ngày, còn anh Vinh chuyển nghề, đi làm thợ xây.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 3

Xe điện "mỏi mắt" tìm khách. Nhiều chủ xe cho biết đánh xe ra đường chủ yếu để tránh tình trạng hư hỏng bình ắc quy, còn đa phần phải chuyển nghề mới mưu sinh.

"Việc làm thợ xây là phương án trước mắt để giải quyết kinh tế hằng ngày. Hy vọng năm nay bình thường trở lại, chúng tôi quay lại với nghề", anh Vinh chia sẻ.

Hơn một năm qua, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, khách sạn sau thời gian dài bám trụ cũng đành đóng cửa, cho nhân viên thôi việc khiến chị Nguyễn Thị Lệ Linh - nhân viên lễ tân phải loay hoay đi tìm công việc mới.

"Từ khi nghỉ việc ở khách sạn tôi phải khó khăn lắm mới tìm được công việc tư vấn bất động sản ở địa phương. Tuy công việc không thực sự ổn định nhưng dù sao cũng giải quyết được việc làm trước mắt. Năm nay chưa biết tình hình thế nào, tôi vẫn đang đợi ngày du lịch hồi sinh nhưng nếu tình trạng vẫn phập phù như thời gian qua chắc tôi không dám quay lại với nghề", chị Linh chia sẻ.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 4

Nhiều khách sạn đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc sau thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Theo khảo sát, trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, trước mùa du lịch mới, nhiều nhà hàng, khách sạn và các khu du lịch đang gặp khó trong việc tìm nguồn lao động.

"Hai năm qua, từ 50 lao động, tôi đã phải cho nghỉ việc gần hết, chỉ giữ lại 3 người làm vệ sinh. Giờ họ gần như đã tìm công việc mới, người thì làm công ty, người thì quay về đi biển… Trong mùa du lịch năm nay, việc tìm lao động cũng là vấn đề hết sức nan giải", anh Hùng - một chủ nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn chia sẻ.

Sẵn sàng nguồn lao động trong mùa du lịch mới

Theo ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nguồn nhân lực du lịch của thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và cơ cấu.

"Cũng như các địa phương khác trên cả nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch của thành phố bị mất việc nhiều và phải chuyển sang các ngành nghề mới", ông Đạt cho biết.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 5

Trong một thời gian dài, thành phố Sầm Sơn vắng khách, nhiều người làm dịch vụ du lịch cũng vì thế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Đạt, số lao động bị mất việc, chuyển đổi sang ngành nghề mới đa phần là lao động phổ thông, người dân làm dịch vụ du lịch là những người sinh sống trên địa bàn thành phố Sầm Sơn và các huyện lân cận. Vì vậy, sau khi hoạt động du lịch hồi phục, số lao động quay lại làm việc được dự báo vẫn đảm bảo cho sự phát triển của du lịch Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, để giải "cơn khát" lao động trước mùa du lịch 2022, thành phố Sầm Sơn đã có kế hoạch, phương án là cầu nối cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để tuyển dụng các sinh viên học ngành du lịch nhằm tăng thêm nguồn nhân lực cho du lịch thành phố trong những tháng cao điểm của du lịch Sầm Sơn.

Giải cơn khát lao động trước mùa du lịch mới - 6

Để giải "cơn khát" lao động trước mùa du lịch mới năm 2022, thành phố Sầm Sơn đã có kế hoạch, phương án kết nối sinh viên học ngành du lịch để tăng thêm nguồn nhân lực cho du lịch (Ảnh: HĐ).

"Trong năm 2022, UBND thành phố tiếp tục phối hợp với các trường đại học, trung tâm dạy nghề uy tín tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và người lao động tham gia hoạt động du lịch dịch vụ. Nội dung chủ yếu là cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, các phương án, quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch của địa phương cũng như nghiệp vụ chuyên môn trong quản lý khách sạn nhà hàng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch trong năm 2022 và các năm tiếp theo", ông Đạt thông tin.

Cũng theo ông Đạt, để chuẩn bị cho năm 2022, thành phố đã triển khai hiệu quả việc tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố, ưu tiên tiêm cho người lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch và làm việc tại các khu, điểm du lịch của thành phố. Đến nay, 100% người lao động trong lĩnh vực du lịch đã được tiêm vaccine.