1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Giải bài toán thiếu hụt lao động khi công nhân ồ ạt thành F0

Bình Minh

(Dân trí) - Tăng ca, tăng cường tuyển dụng khi đối mặt với việc thiếu hụt lao động do công nhân đồng loạt mắc Covid-19, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng nhiều chuyền sản xuất.

Nhiều chuyền dừng sản xuất, đơn hàng bị hủy

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết, sau Tết Nguyên đán, công nhân bị mắc Covid-19 tăng đột biến. Có thời điểm, F0 và F1 tại công ty lên đến khoảng 8.000 người, trong khi toàn công ty chỉ hơn 12.000 công nhân lao động, tức 2/3 nhân lực phải tạm dừng làm việc.

"Do F0 và F1 đều nghỉ nên không tránh khỏi những lúc bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thậm chí khi công nhân khỏi bệnh, đi làm trở lại thì năng suất lao động cũng không cao", ông Quang nói.

Giải bài toán thiếu hụt lao động khi công nhân ồ ạt thành F0 - 1

Số công nhân tại các doanh nghiệp mắc Covid-19 tăng đột biến (Ảnh: CTV).

Cũng theo ông Quang, hiện nay còn 6.000 công nhân của doanh nghiệp này đang nghỉ. Các phân xưởng đều sản xuất theo chuyền, mỗi chuyền có khoảng 60 người, nếu trong đó có 20 - 30 người thành F0 thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả chuyền, vì mỗi người trong chuyền đều phụ trách một công đoạn khác nhau.

Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam là doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, đang giải quyết việc làm cho trên 18.000 người. Hiện công ty có khoảng 4.000 công nhân, người lao động là F0 nên xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân công cục bộ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất.

Do thiếu hụt lao động, nhiều dây chuyền sản xuất tại công ty phải dừng hoạt động nên năng suất lao động thấp, đơn hàng giảm.

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, việc nhiều doanh nghiệp FDI thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn hàng phải hủy, không đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa phải lo chi phí test nhanh tầm soát định kỳ cho hàng vạn lao động, vừa phải trả lương cho hàng nghìn công nhân không đi làm.

Đề xuất thống nhất đối tượng đủ điều kiện làm việc

Để đối phó lại với tình trạng thiếu hụt lao động nói trên, hiện nhiều công ty đang cố gắng hoạt động cầm chừng, bên cạnh đó tăng ca, tăng cường công tác tuyển dụng lao động.

"Công ty đang cố gắng hoạt động cầm chừng và chờ công nhân lao động khỏi bệnh đi làm trở lại, đồng thời cho số công nhân đang đi làm tăng ca liên tục để đáp ứng phần nào các đơn hàng", Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết.

Trở lại với Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam, doanh nghiệp này tăng cường tuyển công nhân và lên kế hoạch thay đổi chính sách nhằm giữ chân người lao động có tay nghề. Cụ thể, doanh nghiệp này đã quyết định tăng 6% lương cơ bản cho người lao động từ tháng 2/2022, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế độ tốt hơn nhằm giữ chân, bảo đảm lực lượng lao động.

"Để giải bài toán thiếu hụt lao động, công ty động viên công nhân F0 sớm trở lại làm việc sau khi điều trị khỏi; đồng thời tiếp tục triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống Covid-19 như khuyến cáo 5K, tránh tiếp xúc, khoanh vùng F0, khử khuẩn, sàng lọc…", ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam nói.

Theo ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, việc xác nhận và áp dụng quy định cứng nhắc, thiếu nhất quán của các địa phương đối với người lao động có tiếp xúc với F0 dẫn đến hiện tượng có nơi yêu cầu hàng nghìn F1 phải thực hiện cách ly 7 ngày, có nơi lại không bắt buộc.

Một bộ phận người lao động lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp đối với trường hợp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã cố tình khai báo thiếu trung thực là có tiếp xúc với F0 (xin giấy chứng nhận của chính quyền địa phương) để được nghỉ làm việc nhưng vẫn hưởng lương do doanh nghiệp chi trả.

"Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI có đông lao động sớm khôi phục sản xuất, ổn định việc làm cho đội ngũ công nhân trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã gửi công văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương thống nhất việc xác định người lao động tiếp xúc với F0 theo hướng: Nếu xét nghiệm 2 lần âm tính thì đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp…", ông Sơn cho biết thêm.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam tuyển 3.000 lao động, Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam tuyển 2.000 lao động, Công ty TNHH giày Annora Việt Nam cần tuyển 2.000 lao động, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trên 500 lao động, Công ty TNHH giày Adiana Việt Nam cần tuyển 5.000 lao động…