1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giá tăng nhưng người làm nghề trồng mía vẫn... "méo mặt"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Giá mía tăng nhưng nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có nguy cơ lỗ nặng vì nhà máy đường vẫn chưa hoạt động. Mặt khác, triều cường dâng cao khiến nhiều ruộng mía ngập úng, thiệt hại.

Theo công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, vừa có thông báo chính thức về việc đưa ra mức giá thu mua mía cho nông dân trong vụ ép mía 2021-2022.

Cụ thể, mức giá mà Casuco công bố là 1.180 đồng/kg cho mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp. Trường hợp CCS tăng hoặc giảm 0,1 CCS thì tương ứng tăng hoặc giảm 10 đồng/kg.

Giá tăng nhưng người làm nghề trồng mía vẫn... méo mặt - 1

Chị Trần Thị Kim Anh bên ruộng mía "lỡ thì" của mình (Ảnh: Bảo Kỳ).

Riêng trường hợp mía dưới 7 CCS thì Casuco sẽ không thu mua. Tuy nhiên, nếu mía đã qua cân đưa vào ép thì Casuco sẽ thanh toán với giá 500 đồng/kg.

Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây thế nhưng thực tế bà con xứ mía đường tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lại chẳng mặn mà với việc giá mía tăng, trái lại người trồng mía còn "méo mặt" với nguy cơ thua lỗ như những năm trước.

Vì sao giá mía tăng nhưng người dân trồng mía ở Hậu Giang vẫn "méo mặt"

Chị Trần Thị Kim Ảnh (44 tuổi, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) đã gắn bó với nghề trồng mía hơn 20 năm cho biết, năm nay giá mía được thu mua cao hơn các năm trước 180 đồng/kg, thế nhưng bà con vẫn không phấn khởi vì công ty mía đường vẫn chưa hoạt động khiến nhiều ruộng mía đã thiệt hại.

"Mọi năm tầm tháng 9 nhà máy đã khởi động nhưng đến giờ là cuối tháng 11 rồi nhưng công ty vẫn chưa thu mua mía, tính ra trễ vụ thu hoạch khoảng một tháng rồi. Ruộng của tôi đã có nhiều đám mía bị trổ cờ, héo đọt, xuống lá rất nhiều nếu bán được vẫn bị lỗ", chị Ảnh buồn bã nói.

Giá tăng nhưng người làm nghề trồng mía vẫn... méo mặt - 2

Mía bị ngập nước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ruộng nhà chị có khoảng 2.000m2 đất trồng mía tương ứng hơn 600 hộc (hàng) mía, bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch từ 70 đến 80 tấn mía, trừ hết chi phí gia đình có thể bỏ túi từ 5 đến 10 triệu đồng/vụ/năm.

Cùng cảnh ngộ với chị Ảnh, ruộng mía của anh Đặng Văn Út đã bị héo đọt, xuống lá có nguy cơ chết trắng vì nước ngập.

Theo anh Út, mọi năm tầm tháng 10 âm lịch đã thu hoạch xong và bà con xuống vụ mới nhưng do công ty chưa hoạt động nên mía thu hoạch chậm khiến mía bị trổ cờ và vàng úa rất nhiều. Với diện tích mía đang bị trổ cờ và héo đọt, anh Út ước tính sản lượng mía gia đình thu được sẽ hao hụt khoảng vài tấn so với năm trước.

Giá tăng nhưng người làm nghề trồng mía vẫn... méo mặt - 3

Ruộng mía bị quá lứa (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Lúc tháng 6 có vụ thu hoạch mía nước, đã có thương lái đặt cọc nhưng do giãn cách không giao thương hàng hóa được nên lái bỏ cọc luôn. Không bán được nên trồng tiếp chờ vụ mía đường để bán cho nhà máy nhưng nay đã quá ngày cắt mía thêm nước ngập úng nữa, không biết tính sao", anh Út bày tỏ.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, năm nay công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) ép mía chậm hơn mọi năm khoảng 2 đến 3 tháng.

Giá tăng nhưng người làm nghề trồng mía vẫn... méo mặt - 4

Anh Đặng Văn Út buồn bã, lo ngại năm nay lại tiếp tục lỗ trắng như những năm trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo thông báo mới nhất của công ty đến ngày 4/12, nhà máy mới chính thức hoạt động trở lại. Tuy nhiên trong thời gian này một số ruộng mía của bà con đã bị thiệt hại do thu hoạch chậm và nước lũ dâng, khiến nông dân không phấn khởi dù giá mía có tăng hơn so mọi năm.

"Chúng tôi đã khuyến cáo với bà con nên liên kết với nhau tự thu hoạch xoay vòng để tiết kiệm chi phí thuê nhân công đốn mía. Riêng với các ruộng mía bị ngập nước chúng tôi sẽ hỗ trợ bơm thoát nước để rút cạn cho bà con, hạn chế thiệt hại", ông Tuấn nói thêm.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, trong kế hoạch sản xuất của nhà máy đường trong năm 2022 nhà máy sẽ tiêu thụ 2.000ha mía, tuy nhiên, nền mía của huyện lại chiếm 4.700ha.

Do cung vượt cầu nên địa phương đã có định hướng thay đổi cơ cấu sản xuất. Đối với bà con trồng mía ngoài đê bao địa phương sẽ vận động và hỗ trợ cho người dân chuyển sang sản xuất nông sản khác.

Riêng với những hộ sản xuất mía trong đê bao sẽ tập trung sản xuất tạo thành vùng nguyên liệu cho nhà máy đường với quy mô từ 3.000 đến 3.500ha.