Giá sắn giảm gần một nửa, nông dân thu hoạch cầm chừng chờ giá "ấm" lên

Hạnh Linh

(Dân trí) - Giá sắn 1.400-1.700 đồng/kg, giảm gần một nửa so với năm ngoái, nhiều hộ dân ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chưa dám thu hoạch, chờ giá "ấm" lên.

Ông Mua Seo Vư (52 tuổi), trú bản Nàng 2, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, cho biết, gia đình ông vừa bán gần 5 tạ sắn với giá 1.500 đồng/kg.

"So với cùng kỳ năm ngoái, giá sắn năm nay giảm gần một nửa. Sắn rớt giá nên gia đình tôi thu hoạch chậm, chờ giá tăng", ông Vư chia sẻ.

Theo ông Vư, niên vụ sắn 2023-2024, giá đạt 2.900 đồng/kg, gia đình ông đã thuê thêm lao động để thu hoạch trước Tết. Với 4ha sắn, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ sắn năm nay, gia đình phải "bán đổ, bán tháo" để vớt vát lại tiền vốn và công sức.

Giá sắn giảm gần một nửa, nông dân thu hoạch cầm chừng chờ giá ấm lên - 1
Bà con ở Mường Lát buồn khi giá sắn tụt xuống gần một nửa (Ảnh: Thảo Linh).

Ông Vư cho biết, giá sắn thấp khiến nhiều hộ trong bản chán nản, không thu hoạch. Có hộ thu hoạch sắn về chất đống 2-3 ngày vẫn chưa có thương lái đến thu mua.

Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, toàn xã có hơn 1.000ha sắn, trong đó khoảng 600ha trồng sắn chất lượng cao có liên kết với Công ty Cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, số diện tích còn lại là bà con trồng tự phát.

"Từ đầu vụ, giá sắn đã thấp, bà con rất lo lắng. Hiện nay, sắn có giá 1.400-1.700 đồng/kg, thấp hơn gần một nửa so với niên vụ năm 2023-2024 khiến nhiều nông dân thất thu", ông Tuấn nói.

Giá sắn giảm gần một nửa, nông dân thu hoạch cầm chừng chờ giá ấm lên - 2
Nhiều bao tải sắn ở xã Pù Nhi chờ thương lái đến thu mua (Ảnh: Thảo Linh).

Ông Tuấn phân tích, nguyên nhân giá sắn "tụt dốc" là do thị trường Trung Quốc chững lại. Các công ty chế biến sắn thô và tinh bột sắn ở dưới xuôi ứ đọng hàng không xuất khẩu được, dẫn đến việc mua sắn cho người dân cũng cầm chừng, giá sắn thấp.

Để diện tích sắn sau thu hoạch của bà con không bị tồn, chính quyền xã nỗ lực đấu mối với phía doanh nghiệp tạo điều kiện thu mua cho bà con. Đồng thời đề nghị phía công ty mở rộng diện tích liên kết bao tiêu cho người dân trong những vụ tới.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết, niên vụ sắn 2024-2025 được mùa nhưng mất giá. Nguồn thu từ sắn ước tính chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng, giảm một nửa so với niên vụ năm 2023-2024.

Tại Mường Lát, sắn chủ yếu được trồng xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung..., với hơn 3.000ha. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1.600ha là có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Giá sắn giảm gần một nửa, nông dân thu hoạch cầm chừng chờ giá ấm lên - 3
Hiện rất ít thương lái đến thu mua sắn cho bà con (Ảnh: Thảo Linh).

Ông Thắng cho biết, do niên vụ 2023-2024, sắn được mùa, được giá nên bà con ở các tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên,… mở rộng diện tích trồng, sản lượng sắn ở các tỉnh trên tăng đột biến, ảnh hưởng đến cung - cầu. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

"Để cây sắn phát triển bền vững phù hợp với quy hoạch, huyện đã định hướng cho các xã xây dựng Ban chỉ đạo trồng sắn, để thực hiện việc tìm kiếm, liên kết bao tiêu sản phẩm, nhằm đảm bảo ổn định về giá cả, đầu ra cho bà con; quán triệt việc mở rộng diện tích ồ ạt, phá vỡ vùng quy hoạch", ông Thắng khẳng định.