Giá gạo tăng gấp 5, lao động Việt tại Nhật ăn mì thay cơm
(Dân trí) - Tăng giá gạo kỷ lục tại Nhật dẫn đến cuộc khủng hoảng, khiến cộng đồng du học sinh, lao động Việt chật vật thắt lưng buộc bụng. Nhiều người chuyển ăn mì thay cơm, chạy hàng chục cây số để săn gạo rẻ.
Vài tháng qua, Lê Minh An, 23 tuổi, du học sinh tại Tokyo xếp khẩu phần ăn xen kẽ, bữa cơm, bữa bún, bữa mì để tiết kiệm gạo.
"Bình thường gạo ở Nhật khá rẻ mà ngon, nhưng từ đầu năm đến nay, giá gạo cứ tăng phi mã làm tôi sốt ruột", Minh An nói.
Năm 2023, khi mới sang Nhật, Minh An có thể mua 10kg gạo với giá 300-400.000 đồng. Nhưng đến giữa năm ngoái, giá gạo bắt đầu tăng lên. Từ đầu năm đến nay, giá gạo đã tăng gấp 5-6 lần so với thời điểm mới sang.
"10 cân gạo mua trong siêu thị có giá khoảng 1,7 triệu đồng. Tôi cảm tưởng như gạo là một loại thực phẩm xa xỉ với mình vậy. Trong khi mua bún hoặc mì thì có thể tiết kiệm hơn một chút, nhưng tôi vốn quen ăn cơm nên cảm thấy không đủ no khi cứ ăn mì nhiều như thế", Minh An nói.

Giá gạo tại Nhật rơi vào khủng hoảng từ đầu năm đến nay (Ảnh: Japan Times).
Không riêng Minh An, nhiều du học sinh và lao động Việt tại Nhật đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt tăng giá gạo kỷ lục này. Giá gạo bắt đầu tăng từ tháng 4/2024. Theo khảo sát với 1.000 siêu thị tại Nhật Bản, giá gạo trung bình đạt hơn 4.200 yen/5 kg vào tháng 4 và duy trì mức giá này đến nay, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 1971.
"Ngày trước, với 3 man (khoảng 5 triệu đồng), tôi có thể lo đủ chuyện ăn uống. Phần tiền còn lại tôi tiết kiệm, gửi được 10 triệu về quê. Giờ chi phí ăn uống lên tới 5 man, còn dư được 6-7 triệu là may mắn rồi", Giáp - công nhân đóng gói tại Ibaraki - chia sẻ.
Lương thực nhận mỗi tháng khoảng 15 man (hơn 25 triệu đồng), nhưng sau khi trừ tiền nhà, điện, nước, anh không còn nhiều lựa chọn ngoài "sống chung với lạm phát".
Không chỉ gạo, hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác như trứng, rau củ, thịt chế biến, điện, gas cũng tăng giá chóng mặt.
"Vỉ trứng 10 quả từng có giá khoảng 170 yen (hơn 30.000 đồng), nay gấp đôi, mà mỗi người chỉ được mua một vỉ. Cải bắp từ 100 yen đã nhảy vọt lên hơn 300 yen một cái. Tiền điện, gas tháng trước hơn 1,9 man - tăng gần 1 triệu đồng so với trước", Minh An liệt kê.
Trong khi giá cả leo thang, thu nhập của người lao động lại không đổi, thậm chí giảm. Giáp cho biết trước đây anh làm đủ 8 tiếng, nhưng gần đây công việc giảm, chỉ làm 6 tiếng mỗi ngày.
"Lương thì đứng yên, gạo thì leo thang. Chúng tôi mong có phép màu để giá thực phẩm hạ xuống, chứ giờ cứ mua cái gì cũng phải cân nhắc từng đồng", Giáp than thở.

Giá gạo leo thang đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động, du học sinh Việt tại Nhật Bản (Ảnh minh họa: DT).
Với khoảng 570.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nhóm du học sinh và lao động xuất khẩu - đặc biệt là người mới sang - đang chịu sức ép tài chính lớn nhất.
"Trước đây, tôi đi siêu thị không cần nhìn giá bởi hàng hóa ở các chợ, siêu thị Nhật Bản không quá đắt so với mức thu nhập. Giờ tôi phải đắn đo từng món, phải chờ đến cuối ngày để săn được đồ rẻ hơn nhưng cũng không tiết kiệm được là bao", Đình Bảo, 27 tuổi, sống tại Kanagawa, chia sẻ.
Khi giá gạo tăng phi mã, Đình Bảo lùng sục tất cả các hội nhóm, mạng xã hội để tìm chỗ mua gạo giá rẻ.
"Một người Việt sống cách tôi 50km có đăng bài bán gạo giá rẻ hơn so với siêu thị. Bình thường trong siêu thị 1,5-1,7 triệu thì người này bán với giá 1 triệu. Biết tin là tôi tức tốc đi mua ngay", Bảo nói.

Nhiều người tìm đủ cách để có được gạo giá rẻ (Ảnh minh họa: Reuters).
Theo khảo sát của Teikoku Databank, trong 5 tháng đầu năm 2025, hơn 14.400 sản phẩm thực phẩm tại Nhật đã tăng giá - vượt cả tổng số sản phẩm tăng giá của năm 2024. Lạm phát tiêu dùng duy trì trên mức 2% suốt ba năm qua, với gạo là nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất.
Lý do chính là thời tiết khắc nghiệt năm 2023 khiến mùa màng thất bát. Bên cạnh đó, lo ngại "siêu động đất" vào cuối năm trước khiến người dân đổ xô tích trữ gạo. Lượng khách du lịch đến Nhật tăng mạnh sau đại dịch cũng góp phần làm nhu cầu vượt cung.
Để hạ nhiệt thị trường, chính phủ Nhật đã xuất 210.000 tấn gạo từ kho dự trữ chiến lược vào tháng 3. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Ogawa nhận định, người dân sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng trong vài năm tới. Nhật Bản hiện đang đàm phán nhập khẩu thêm gạo, trong đó có lô hàng 22 tấn từ Hàn Quốc - lớn nhất từ năm 1990 đến nay.
Nhiều lao động như Giáp hay du học sinh như Minh An đã phải thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm bằng cách đổi khẩu phần, không đi chơi, hi vọng cầm cự qua đợt khủng hoảng gạo lần này.
"Hi vọng chính phủ sớm có chính sách hạn chế tình trạng này, không chỉ là giá gạo mà còn là giá cả nói chung. Những lao động như chúng tôi vẫn phải xoay xở từng ngày nếu như tình hình không ổn định hơn", Giáp nói.