1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia nhập Công ước 98 có 60% doanh nghiệp ký kết thỏa ước

Việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong Công ước 98, có 60% doanh nghiệp tham gia.

Gia nhập Công ước 98 có 60% doanh nghiệp ký kết thỏa ước - 1

Các cơ quan chức năng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, đảm bảo quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận sáng 7/6, tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, hiện mới có khoảng 60% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước trên. Số doanh nghiệp chưa có ký kết giữa người sử dụng lao động và đại diện lao động qua công đoàn hiện vẫn còn nhiều.

Vấn đề trên theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam đang được tính toán bàn với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký thỏa ước khung cấp quốc gia. Sau đó, các đơn vị sẽ ký thỏa ước tập thể cấp ngành và tới cấp doanh nghiệp.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cũng tỏ ra ủng hộ và cho rằng, đây là công việc đã được chuẩn bị lâu dài và nghiêm túc.  

"Tham gia Công ước 98 là đúng xu hướng, đảm bảo dân chủ xí nghiệp và đối thoại," ông nói.

Theo ông, kể cả không tham gia Công ước 98, Việt Nam vẫn phải thực hiện các vấn đề do ILO đặt ra theo đúng tinh thần, nguyên tắc về nơi làm việc.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, nếu tham gia công ước "không thể phê chuẩn là xong." Vị đại biểu cho rằng, đây là vấn đề lớn và phải nghiên cứu báo cáo trình Quốc hội sửa Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật tố tụng,...

"Cần hướng dẫn để đảm bảo tổ chức hoạt động công đoàn sắp tới phù hợp, tránh lúng túng," ông Nhưỡng cũng nêu lên.

Đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp

Vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn là sau khi gia nhập Công ước số 98, bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ có một số tổ chức đại diện người lao động khác được thành lập, hoạt động. Vấn đề các đại biểu đặt ra là việc sửa đổi pháp luật liên quan và chủ trương về quản lý. Một số đại biểu đề nghị phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập Công ước.

"Chúng tôi cũng rà soát, đánh giá khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua... Trong đó có vấn đề rất lớn là làm sao thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất nhưng phải giữ vững được quan hệ, cũng như ổn định kinh tế- xã hội, nhất là khi ra đời các tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở bên cạnh tổ chức Tổng Liên đoàn. Chắc chắn là sẽ gặp những vấn đề khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta phải biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng lý giải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Luật Công đoàn và các luật liên quan. Còn các tổ chức khác của người lao động bên cạnh Tổng Liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động với mục đích đơn thuần về quan hệ lao động.

Để đảm bảo các tổ chức đại diện người lao động hoạt động một cách thực chất, đảm bảo quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến: quyền tham gia, thành lập tổ chức đại diện người lao động; điều kiện tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như tổ chức của người lao động tại cơ sở; điều lệ, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức...

Đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đây cũng thời cơ, thách thức mà tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình do Đảng và Nhà nước giao.

"Chúng tôi đang xin trình cấp có thẩm quyền xây dựng đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó cũng thiết kế về mặt tổ chức, hoạt động phù hợp theo thông lệ quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm của một số nước" - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Theo Thành An/Diễn đàn doanh nghiệp