Công ước 98: Bảo vệ người lao động, công đoàn trước sự phân biệt đối xử
(Dân trí) - "Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn, giúp tổ chức của người lao động không bị thao túng bởi người sử dụng lao động. Đồng thời bổ sung những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí…"
Đây là những nội dung chính của Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang được các đại biểu Quốc hội Khoá 7 cho ý kiến trong sáng 7/6.
Trước đó, hôm 29/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế tại Quốc hội.
Theo Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là 1 trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức ILO. Công ước đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 01/7/1949. Tính đến tháng 01/2019, trên thế giới đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.
Về chính trị, việc gia nhập Công ước số 98 góp phần cụ thể hoá một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 27-NQ/TW là: “Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cụ thể là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đang được tích cực chuẩn bị để có thể ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới, việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Về pháp lý, những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.
Về kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về áp dụng quyền tổ chức và thương lượng tập thể quy định trong Công ước số 98 thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 98 sẽ góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế.
Ba yếu tố quan trọng để thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả trong Công ước số 98
Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn
Điều 1 Công ước số 98 quy định người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.
Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết đối với những hành vi nhằm: làm cho việc làm của người lao động phụ thuộc vào điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tư cách đoàn viên công đoàn; sa thải hoặc gây tổn hại cho người lao động với lý do là đoàn viên công đoàn, hoặc tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc.
Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động
Điều 2 Công ước số 98 quy định các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những đại diện hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.
Cụ thể, những hành vi được coi là can thiệp theo quy định của Công ước số 98 là những hành vi nhằm thúc đẩy việc thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.
Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí
Công ước số 98 xác lập nguyên tắc tự nguyện và thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí.
Trách nhiệm thúc đẩy thương lượng tập thể của nhà nước được thực hiện, phù hợp với điều kiện quốc gia, chủ yếu thông qua các cơ chế như: cơ chế giải quyết tranh chấp lao động (hòa giải, trọng tài); cơ chế kéo dài thời hạn hoặc mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể tự nguyện; xây dựng và bảo đảm thực hiện các quy định về nghĩa vụ thương lượng thiện chí…
Việc bảo đảm tính tự nguyện, thiện chí của thương lượng tập thể chủ yếu liên quan đến những nội dung về quyền tự định đoạt của các bên về nội dung thương lượng; về việc có đạt được thỏa ước thông qua thương lượng hay không; về thành phần tham gia thương lượng; về cấp độ thương lượng; và về các nghĩa vụ của các bên trong quá trình thương lượng tập thể…
Hoàng Mạnh