Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của ILO về việc làm cho người khuyết tật

(Dân trí) - Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký văn kiện phê chuẩn Việt Nam gia nhập Công ước 159 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về Tái thích ứng Nghề nghiệp và Việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm.

nguoi khuyet tat.jpg

Người khuyết tật luôn có nhu cầu tìm việc làm

Công ước quy định các quốc gia thành viên phải thông qua, sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật, quy định và tập quán hiện hành góp phần gây ra sự bất bình đẳng quyền lợi của người lao động khuyết tật.

Công ước cũng đề ra các hoạt động và chính sách ở cấp quốc gia trong việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.

Một số biện pháp các quốc gia thành viên có thể áp dụng bao gồm cung cấp các hướng dẫn về dạy nghề, đào tạo nghề và các dịch vụ khác giúp người khuyết tật bảo đảm và duy trì việc làm; đảm bảo họ có quyền tiếp cận với các chuyên gia tư vấn về đào tạo và phục hồi chức năng lao động.

Công ước 159 là công ước thứ 23 của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi hồ sơ của Việt Nam được đăng ký với Tổng Giám đốc ILO.

Cũng trong năm 2019, năm ILO tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập, Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Bình đẳng về cơ hội và trong đối xử là nguyên tắc cơ bản của công bằng xã hội. Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận việc phê chuẩn Công ước 159 sẽ giúp Việt Nam tiếp tục điều chỉnh khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế để bảo vệ các nhóm lao động yếu thế.

Việc phê chuẩn này cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật được thông qua vào năm 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật (2012) với mục tiêu đào tạo nghề và tạo việc làm cho 250.000 lao động khuyết tật, cũng như đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật bằng cách đưa ra các ưu đãi chính sách cho doanh nghiệp. Giám sát và kiểm tra việc thực hiện chính sách cũng sẽ được đẩy mạnh tại các cơ sở đào tạo nghề và các nơi làm việc.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: “Tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật chính là không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động. Đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn là vấn đề thành công của doanh nghiệp. Bằng việc tạo cơ hội việc làm cho lao động khuyết tật, các doanh nghiệp, cá nhân và cả xã hội đều sẽ được hưởng lợi.”

Trên thực tế, một nghiên cứu của ILO đã chỉ ra rằng Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động.

Theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO, “những bất lợi và thiếu cơ hội mà người lao động khuyết tật gặp phải phần lớn không liên quan tới khiếm khuyết cá nhân của họ”.

“Đó là hậu quả của cách mà xã hội và nơi làm việc phản ứng với những khiếm khuyết đó,” bà nói. “Chính sách và pháp luật là minh chứng cho sự phản ứng đó và tạo là bước quan trọng để tạo ra những thay đổi.”

Bằng việc tập trung vào kỹ năng thay vì định kiến, người sử dụng lao động có thể tiếp cận tới một lực lượng lao động tài năng chưa được tận dụng.

Hoàng Mạnh