1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai: "Phu" cà phê "hái Tết" đầu năm

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Mỗi mùa cà phê, bà con các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi và các huyện Đông Nam tỉnh Gia Lai đều đổ dồn lên cao nguyên để thu hái. Bươn chải gần 2 tháng, họ chỉ mong có ít tiền về cho gia đình sắm Tết.

Nhọc nhờ đời phu cà phê trên Cao Nguyên

Những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021, trên khắp đường phố, chúng tôi dễ bắt gặp những đoàn xe máy đang nối đuôi chạy đi đến nhà vườn để ở thu hái cà phê. Mỗi nhóm đông nhất chừng 10 người, tốp ít thì thường 2 - 3 người. Họ lên từ tháng 11, 12 và luân chuyển tới nhiều vườn cà phê để đi hái thuê.

Trên chiếc xe máy họ mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, nào áo quần, nào chăn gối. Có những người mang theo cả nồi cơm điện để chuẩn bị cho chuyến lao động dài ngày.

Gia Lai: Phu cà phê hái Tết đầu năm - 1
Vào tháng 11 - 12 hàng năm, nhân công khắp các tỉnh lại đổ về vùng Tây Nguyên để làm nghề thu hái cà phê.

Theo tìm hiểu của PV, những người đến hái cà phê thuê ở Gia Lai đa phần đều là những người nghèo khó. Họ muốn tìm được một công việc có thu nhập để nuôi sống gia đình, trang trải cho cái tết đang tới gần.

Lúc này, chủ vườn sẽ thuê nhân công ở luôn trong nhà hoặc đưa ra các nhà rẫy để cho họ ở trong suốt những ngày thu hái. Các nhân công sẽ thu hái theo hình thức "hái khoán". Tức là chủ vườn sẽ khoán theo sản lượng thu hái từng ngày để trả tiền. Hiện nay, do tình trạng khát nhân công nên giá khoán cũng cao lên. Trung bình mỗi tạ, chủ vườn sẽ trả từ 90 - 100 ngàn đồng/tạ.

Ông Lê Xuân Nghê (50 tuổi, quê ở Quảng Trị) vào xã Ia Sao (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) từ cuối tháng 11 để hái cà phê thuê.

Ông cho biết: "Cứ vào vụ cà phê là tôi lại cùng anh em lên đây để hái thuê, tính đến nay cũng được 4 năm rồi. 2 năm trở lại đây chủ vườn cũng thuê với mức giá cao hơn nên chúng tôi cũng có thu nhập mang về. Mỗi ngày, chúng tôi thu hái được khoảng 3 - 5 tạ thì cũng thu về được 400 - 500 ngàn đồng. Số tiền này được gom lại đến cuối mùa thì chủ sẽ tính và thanh toán toàn bộ".

Gia Lai: Phu cà phê hái Tết đầu năm - 2
Ai cũng mong muốn hái thật nhanh để thu nhập được cao lên

"Công việc của tôi bắt đầu từ 6h sáng, trưa nghỉ ăn cơm tí và kết thúc lúc 18h. Vì muốn có thêm thu nhập nên ai cũng tranh thủ "làm sớm, nghỉ muộn" để thêm chút tiền cuối năm sắm tết, lo chi phí trong gia đình. Năm nay cà phê mất mùa nên chúng tôi hái năng suất cũng giảm nhiều", ông Nghê tâm sự.

Mỗi mùa cà phê là hai vợ chồng anh Rlan Manh (29 tuổi) và chị Siu Hlai (27 tuổi, trú phường Sông Bờ, TX. Ayunpa, tỉnh Gia Lai) đã nhờ bà ngoại chăm con nhỏ rồi lên huyện Ia Grai để làm nhân công hái cà phê để kiếm tiền trang trải thêm cho gia đình.

Anh Rlan Manh chia sẻ: "Mọi năm bọn mình đi qua tỉnh Đắk Lắk để hái thuê. Năm nay có chủ bên này gọi lên hái nên vợ chồng mình lên cho gần. Như năm trước, vợ chồng mình ở trong nhà người ta thu hái gần 2 tháng trời. Hái xong, hai vợ chồng cũng mang về được 20 triệu để sắm tết và trang trải nợ nần. Năm nay giá nhân công lên khoảng 100 ngàn đồng/ tạ nên vợ chồng cũng hy vọng tăng thêm chút thu nhập".

Gia Lai: Phu cà phê hái Tết đầu năm - 3

Những nhân công lên ở để thu hái cà phê đều chịu thời tiết khắc nhiệt, cuộc sống kham khổ. Nhưng họ vẫn động viên nhau sớm vượt qua để có thu nhập mang về sớm tết

Trong một căn nhà rẫy chưa đầu 20m2 đã có 6 con người cùng sống tạm để thu hái cà phê cho gia chủ. Trong căn chòi này có 2 cặp gia đình và 2 người nhân công khác, họ đề ở chung làng ở Phường Sông Bờ, Thị xã Ayun Pa và rủ nhau lên thu hái.

Ở đây họ đều tự túc để nấu ăn, ngủ nghỉ và đi hái khoán theo sức của mình. Giữa cái giá rét 15 độ trên vùng Cao Nguyên nhưng họ phải trải chiếu ra sàn nhà lạnh giá để nằm. Mâm cơm đạm bạc được vài cọng rau, thịt kho, trứng chiên…

Nhìn những bàn tay trầy xước, rướm máu vì hái cà phê, những đôi bao tay rách nát và những vết trầy xước in hằng trên vai người lao động này mới thấy công việc thu hái cà phê chẳng nhẹ nhàng gì. Nhưng vì cuộc sống gia đình, vì những đứa con đang chờ những bộ quần áo mới, một cái tết no ấm hơn đã khiến họ quên đi tất cả những khó khăn vất vả ấy, vẫn vui vẻ, cười nói làm việc.

Gia Lai: Phu cà phê hái Tết đầu năm - 4

Mỗi nhân công đều làm việc rất sớm nhưng nghỉ lại rất muộn để tăng năng suất thu hái

Chị Siu H'Lốp (phường Sông Bờ, Thị xã Ayun Pa) bộc bạch: "Nghề này thì kiếm ra tiền hơn ở quê nên hai vợ chồng đã rủ nhau cùng lên ở cho nhà chị Tuyến để thu hái cà phê. Mỗi ngày đi làm cũng thu về được 400 - 500 ngàn đồng, tùy vào năng suất hái của mình. Tuy nhiên, do lao động ở thường tiết khắc nhiệt, lạnh nên nhiều lúc cũng bị ốm, sốt phải nghỉ".

Cô Nguyễn Thị Tuyến (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, nhà tôi có khoảng 1,8ha cà phê. Mỗi năm cần khoảng 5 - 7 nhân công trong nhà. Theo đó, cứ gần đến mùa cà phê tôi lại gọi những nhân công đã thu hái từ năm ngoái để vào ở trong 2 tháng giúp thu hái. Giá nhân công năm nay dao động từ 90 - 100 ngàn đồng. Thường các nhân công sẽ tự túc ăn ở và hái khoán trả theo sản lượng.

Gia Lai: Phu cà phê hái Tết đầu năm - 5
6 con người sống chung trong căn nhà rẫy chật chội. Cuộc sống đều phải tự túc để kiếm thêm thu nhập

Mọi người ở khắp nơi đến vùng quê để mưu sinh mong có chút tiền để mang về. Nhưng trong họ là sự cần cù lao động, "chịu thương, chịu khó", thường giúp đỡ nhau trong công việc.

Những lúc nghỉ giải lao hay đêm về, họ lại quây quần hỏi thăm nhau về sức khỏe. giúp nhau chăm những vết thương trong lúc lao động. Ai cũng động viên nhau vượt qua khó khăn để về quê đón Tết được vui hơn.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, mùa thu hoạch cà phê các năm trước, tỉnh thu hút 7.000-8.000 lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định.

Nhưng năm nay nhân công hái cà phê giảm, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt đã tác động đến thời gian thu hoạch, gieo trồng của các tỉnh đồng bằng. Hàng nghìn lao động phải ở lại quê nhà để khắc phục hậu quả thiên tai và gieo sạ.

Mỗi năm Sở Lao động Thương binh và Xã hội đều mở các sàn giao dịch việc làm để tuyên truyền và giới thiệu cho người lao động đến hái cà phê cho các nhà vườn.