1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ghé chợ "củi khô" xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm

Phạm Công

(Dân trí) - Khu chợ chỉ bán mặt hàng duy nhất là gỗ tại Phù Khê (Bắc Ninh). Những cục gỗ vụn được bán theo cân với giá vài trăm đến vài triệu đồng/kg, đem lại người làm nghề hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Chợ "củi" tiền tỷ

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đăng Trọng, một tiểu thương có kinh nghiệm 15 năm làm nghề buôn gỗ tại chợ, cho biết: "Gỗ ở đây vừa bán theo tấm, vừa bán cả các loại gỗ vụn. Gỗ vụn thường bán theo cân với giá khoảng 300 - 1 triệu đồng/kg đối với gỗ trắc".

Theo anh Nguyễn Đăng Trọng, những người làm nghề buôn gỗ tại đây thường xuyên xa nhà đi "tuyển" gỗ ở các vùng như Nghệ An, Gia Lai xa hơn thì Lào, Campuchia... Mỗi chuyến đi thường kéo dài nửa tháng, khi gom đủ hàng thì sẽ đưa ra chợ bán. Trong khi đi lấy gỗ thì vợ anh sẽ đảm nhiệm công việc bán hàng. 

Chia sẻ của những tiểu thương chợ gỗ Phù Khê

Những cục gỗ là nguyên liệu chủ yếu cho các sản phẩm gia dụng như bàn ghế, giường tủ nên gỗ ở Phù Khê thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến mua. 
"Công việc của tôi bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi ngày, trung bình tôi bán vài chục kg, những hôm đông khách hay gặp khách "sộp" có thể bán được vài tạ. Trừ chi phí, gia đình tôi thu lời 300 - 700 triệu đồng mỗi năm" - anh Nguyễn Đăng Trọng nói.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 1

Hoạt động kinh doanh buôn bán sôi động tại chợ gỗ Phù khê.

Cũng không ít lần vì sơ suất, anh chọn về những khúc gỗ hỏng, mối mọt hay rỗng ruột. Hậu quả là công sức của anh cũng như tiền vốn mất sạch, số gỗ đem hàng trăm km về phải bỏ đi. 

Ông Vũ Văn Chính, một tiểu thương có kinh nghiệm 11 năm làm nghề tại đây, cho biết: "Nếu thợ mộc đang đóng bộ bàn ghế nhưng còn thiếu gỗ để làm một cái chân ghế thì không thể mua cả tấm gỗ to vì giá thành không rẻ, lại càng không thể chắp vá loại gỗ khác vào được. Người thợ chỉ còn cách tìm đến đây mà lựa chọn những cục gỗ vừa vặn với nhu cầu sử dụng".

Kích thước các miếng gỗ được bán khá đa dạng: Từ những mảnh nhỏ như que củi, đoạn gỗ to cỡ bắp đùi hoặc cả khối gỗ lớn đường kính hàng mét...

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 2

Những cột nhà đã qua sử dụng bằng gỗ trắc có giá vài chục triệu đồng

Bật mí với PV, ông còn cho biết có những cục gỗ đã được dùng làm kèo, cột nhà, bàn ghế nhiều năm rồi xẻ ra bán lại được giá rất cao vì gỗ không ngót.

Theo ông Vũ Văn Chính, gỗ tại đây có nhiều loại gỗ quý như trắc, hương, đinh... Giá gỗ dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/kg tùy loại. Hàng trăm thương lái tại trợ có thu nhập khá mỗi năm từ nghề buôn gỗ.

Đa số từ thợ mộc chuyển nghề

Với kinh nghiệm 30 năm làm thợ mộc, ông Lê Văn Thọ trú tại Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh), cho biết: "Để có thể làm nghề này, phải thực sự am hiểu về các loại gỗ. phần lớn tiểu thương tại đây đều từng chuyển từ nghề thợ mộc sang".

Ông Lê Văn Thọ giờ đã là một người làm nghề buôn tại đây. Theo kinh nghiệm của ông, khi mua gỗ về sơ chế phải lựa chọn thật kỹ, những lỗ nhỏ xuất hiện bên ngoài hay cục gỗ nhẹ lạ thường so với kích thước cũng có thể dẫn đến việc bị sâu lõi. Những loại gỗ tốt bị sâu lõi thường chỉ vứt đi, bán làm củi cũng không ai mua vì khó cháy.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 3

Những cục gỗ nhỏ được bán theo cân, mỗi kg dao động từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng.

"Nhiều người, chưa hiểu về gỗ nhưng vẫn bước chân vào nghề, chỉ 1 hoặc 2 chuyến hàng hỏng là hết vốn. Vì giá bán gỗ rất đắt, mỗi chuyến hàng có giá đến vài trăm triệu đồng. Không ít người vay mượn để đầu tư, thua lỗ mà phải bán nhà đi trả nợ" - ông Lê Văn Thọ nói.

Để làm được nghề, mỗi người buôn đều phải đúc rút những kinh nghiệm riêng từ việc học hỏi từ những người xung quanh. Có không ít người "vớ bở" được những lô hàng tốt có thể thu lời gấp đôi, gấp ba số vốn bỏ ra.

Ông Lê Văn Thọ cho hay: "Đôi khi chỉ là những gốc cây dính đầy bùn đất, hay cột nhà bỏ đi nếu biết chọn lựa cũng có thể bán được vài chục triệu đồng".

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 4

Ông Lê Văn Thọ, người có nhiều năm kinh nghiệp trong nghề.

Anh Nguyễn Xuân Thọ, một khách hàng trú tại Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) thường xuyên đến chợ gỗ Phù Khê mua gỗ về phục vụ công việc sản xuất của mình.

"Gỗ ở Phù Khê được bán với kích thước và hình dạng rất đa dạng. Tôi đến đây thường xuyên để lựa chọn cho mình những mảnh gỗ phù hợp và vừa vặn để lắp ráp vào những sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế…" - anh Nguyễn Xuân Thọ chia sẻ.

Cũng theo anh Nguyễn Xuân Thọ, tại chợ gỗ Phù Khê, cũng là nơi những thương lái, thợ mộc giao lưu chia sẻ cách làm nghề, cách lựa chọn cho mình những cục gỗ tốt.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 5

Những tấm gỗ lớn hơn sẽ được bán theo kích thước.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quang Đạo, Phó chủ tịch phường Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh các mặt hàng liên quan đến gỗ. Khu vực chợ gỗ thường có từ 200 - 250 hộ buôn bán".

Những hộ dân buôn bán đến từ nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh… Bên cạnh đó nghề này còn tạo việc làm cho nhiều lao động làm thuê các công việc như cưa, xẻ, bốc vác gỗ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Đạo, các hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán các mặt hàng về gỗ vẫn theo hình thức tự phát theo nhu cầu tiêu thụ của người dân.

"Trong thời gian tới, chúng tôi xây dựng đề án quy hoạch khu làm dịch vụ sản xuất đồ gỗ tạo mặt bằng cho các hộ xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tập kết hàng hóa, bãi đỗ xe… đồng thời khuyến khích đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng" - ông Nguyễn Quang Đạo cho biết.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 6

Chợ còn là nơi giao lưu giữa các người làm nghề mộc.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 7

Gỗ có kích thước như nhưng cành củi khô được bày bán với giá 300 nghìn đồng/kg.

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 8

Từ việc buôn bán những mẩu gỗ nhỏ, mỗi năm, tiểu thương thu nhập hàng trăm triệu đồng.  

Ghé chợ củi khô xem người bán kiếm trăm triệu đồng mỗi năm - 9

Người mua tính toán chi tiết sao cho tấm gỗ sử dụng được tối đa.