AI muốn giống con người, sinh viên ra trường lại muốn trở thành... cỗ máy
(Dân trí) - AI cố gắng giống như con người thì nhiều sinh viên ra trường lại tự muốn biến mình thành AI, làm việc không khác nào cái máy.
Vấn đề được PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhấn mạnh tại tọa đàm "Bùng nổ công nghệ - Rủi ro suy thoái kinh tế và cơ hội việc làm hiện nay" diễn ra vào ngày 23/4.
Chương trình nằm trong khuôn khổ ngày hội việc làm 2023 do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức mang đến 5.000 cơ hội việc làm ở các lĩnh vực ngân hàng - tài chính - bảo hiểm, chứng khoán, kế toán - kiểm toán, tư vấn, hàng tiêu dùng - thực phẩm, công nghệ - thương mại điện tử, xây dựng - bất động sản... từ hơn 60 doanh nghiệp.
Nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ về những ngành nghề nào sẽ bị AI thay thế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, đây là cách đặt vấn đề chưa hợp lý, bởi không có ngành nào bị AI thay thế và ngành nào cũng có thể bị AI thay thế.
Có những thứ trí tuệ nhân tạo làm tốt hơn con người nhưng có những thứ máy móc không bao giờ thay thế được cho con người. Máy móc làm sao có lòng trắc ẩn, có sự thấu cảm, có sự giao tiếp, linh hoạt, có tính người trong các quyết định và tư duy?
Điều đáng ngại, ông Bảo bày tỏ: "AI đang cố gắng trở thành giống con người, trong khi nhiều sinh viên ra trường lại muốn thành AI, tức là như những cỗ máy, làm việc không khác gì cái máy".
Nhà quản lý này nhấn mạnh, doanh nghiệp không thích mấy bạn học 9 chấm. Họ cần những sinh viên năng động, sáng tạo, biết cách giao tiếp, thấu hiểu đồng nghiệp, tham gia nhiều hoạt động xã hội như mùa hè xanh, tình nguyện, hiến máu, tham gia các hoạt động nhà trường... học 6 chấm cũng được. Bởi đó là những việc AI không làm được.
Từ những điều này, ông Bảo nêu quan điểm, việc làm hay thất nghiệp đều nằm trong tay mỗi sinh viên. Sinh viên cần tự tin học tập, rèn luyện kỹ năng, có tinh thần học hỏi thì không bị AI thay thế.
Đối với ngành nghề đào tạo, theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, sẽ những ngành hoàn toàn mới ra đời để đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên công nghệ số và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Còn những ngành đào tạo truyền thống buộc phải tự đổi mới mình để có thể thích nghi với sự đào thải của nền kinh tế. Đơn cử các ngành như marketing, tài chính, kinh doanh… bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, đáp ứng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện công nghệ thông minh tương tác, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho hay, nếu nói về nguy cơ thất nghiệp vì máy móc, công nghệ thì đã có từ thời công nghệ 1.0.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, không có sự biến mất của ngành nghề nào mà là sự linh hoạt, chuyển đổi cái này sang cái khác, ngành này sang ngành nghề khác, vị trí này đến vị trí khác. Bởi vậy, người học, người làm cũng phải học, phải làm một linh hoạt để thích nghi với thời đại.
Ở góc độ chuyên gia nhân sự, ông Bùi Quang Vinh, quản lý nhân sự tại một doanh nghiệp tại TPHCM thông tin, theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, hiện nay trên thế giới có 11 trend (xu hướng) về nhân sự, trong đó có trend nền kinh tế dựa trên kỹ năng.
Theo dõi thông tin mới đây trên mạng xã hội, có bạn chia sẻ 4 ngành không cần học đại học, "gọi tên" cả ngành quản trị nhân sự mà mình đang làm, ông Bùi Quang Vinh nói : "Khi nghe như vậy, tôi vô cùng tổn thương, nghĩ sao không học vẫn có thể làm. Nhưng nghĩ lại thì bạn ấy không hoàn toàn sai, người ta đang nói ở độ tuyển dụng dựa vào kỹ năng".
Chuyên gia này đưa ra trường hợp cụ thể tại phòng nhân sự, trước đây cần tuyển 3 người nhưng giờ chỉ cần tuyển 1 bạn có nhiều kỹ năng công việc, biết sử dụng công nghệ.
Ông Vinh nhấn mạnh doanh nghiệp hiện nay cần 3 kỹ năng từ ứng viên gồm kỹ năng cơ bản với tất cả mọi người đi làm, kỹ năng chuyên môn tùy vị trí ứng tuyển và kỹ năng dành cho vị trí lãnh đạo.
Sinh viên nên tập trung vào các kỹ năng cốt lõi, các kỹ năng phục vụ cho công việc mình sẽ ứng tuyển vào là cách hiệu quả nhất cho để nói không với hai chữ "thất nghiệp".