Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19

Trong lúc ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều nông sản rớt giá, thì ở Hậu Giang, 2 nông dân “nặng nợ” với cây cam lại hốt bạc do nhu cầu tăng cường sức đề kháng từ cam gia tăng.

Những ngày cuối tháng 5, đưa chúng tôi đi thăm khu vườn cam sành 2 ha của gia đình, anh Huỳnh Công Diễn - một nông dân có đam mê với nghề trồng cam ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành (TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) - cho biết vườn cam này gia đình anh trồng được hơn 15 năm.

Năm nay, tuy cây đã lão nhưng vẫn còn rất sai trái, vừa rồi trong lúc ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều nông sản rớt giá thê thảm thì gia đình anh Diễn thu hoạch được khoảng 20 tấn, bán được gần 300 triệu đồng do cam sạch có giá cao.

Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 - 1

Thấy trồng cam có thu nhập nên gần đây anh Diễn đi thuê đất trồng thêm loại cây có múi này. Sắp tới, anh dự định sẽ đến Sóc Trăng thuê đất trồng thêm vài ha cam theo hướng an toàn.

Cách nhà anh Diễn không xa, nông dân trẻ Đoàn Văn Kiếm cũng có cùng đam mê trồng cây cam sành.

Năm 2015, anh Kiếm gom hết vốn liếng trong nhà, đi mua gần 3 ha đất, đầu tư trồng 4.500 cây cam sành và 1.200 cây cam xoàn. Năm rồi, chỉ riêng việc bán trái chiến, gia đình anh đã thu về hàng trăm triệu đồng.

Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 - 2

Nông dân Đoàn Văn Kiếm bên vườn cam trĩu quả của mình

 

Đặc biệt, để có nguồn trái cây sạch cung cấp cho thị trường ngày càng khó tính và đảm bảo cho vườn cây không bị mất sức trong khi mang trái, gần đây anh Kiếm đã chuyển qua sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây nhằm cho ra trái sạch.

Nhờ được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng, nên hiện nay vườn cam của gia đình anh Kiếm phát triển rất tốt. Năm nay, dự kiến vườn cam sành cho khoảng 100 tấn trái, cam xoàn được khoảng 40 tấn, tổng thu dự tính khoảng 2 tỉ đồng.

Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 - 3

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết toàn xã hiện có 1.900 ha cam, trong đó có đến 1.400 ha cam sành. Nhờ được phù sa sông Hậu bồi đắp, nên ở Đại Thành, nông dân trồng loại cây nào cũng sum sê. Trong đó, cam là cây trồng được nhiều bà con nông dân ưa chuộng và trồng nhiều.

Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 - 4

Trong lúc nhiều loại nông sản rớt giá do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì cam vẫn ở mức giá cao.

Điều phấn khởi nhất là xuyên suốt nhiều năm nay, trong quá trình làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, bà con nông dân xã Đại Thành đã luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Agribank. Theo thống kê, hiện tổng dư nợ của Agribank tại xã này lên đến 115 tỉ đồng.

Nói về sự hỗ trợ của Agribank, anh Diễn cho biết nguồn vốn của ngân hàng không chỉ giúp gia đình có điều kiện đầu tư đến nơi, đến chốn cho vườn cam, mà còn có giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Bởi đây chính là động lực để anh phấn đấu vươn lên làm giàu trên chính mảnh ruộng vườn của mình.

Gặp 2 nông dân “hốt bạc” từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 - 5

Anh Huỳnh Công Diễn thành triệu phú từ cây cam sành

"Nếu không có sự hỗ trợ về vốn của Agribank thì gia đình tôi không có được mô hình kinh tế hiệu quả như hôm nay. Điều làm tôi thấy ưng bụng nhất khi giao dịch với Agribank là tinh thần, thái độ hợp tác tốt với khách hàng, trên cơ sở hai bên cùng có lợi", anh Kiếm phấn khởi nói.

Theo thống kê, xã Đại Thành hiện chỉ còn có 24 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,75%. Kinh tế phát triển, chính là nền tảng vững chắc để địa phương thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Năm 2019, Đại Thành được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Ngã Bảy. Từ thành công này, hiện Đại Thành đang tập trung để tiến lên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của TP Ngã Bảy.

Theo Văn Khương

Người lao động