Quảng Nam:
Gần Tết, thợ "xoay chậu" làm ngày, làm đêm không hết việc
(Dân trí) - Thời điểm này, nhiều cơ sở làm chậu cây kiểng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Làm ngày, đêm vẫn không hết việc
Chậu kiểng không chỉ đơn giản là vật dụng phụ trợ cho việc trồng cây. Một chiếc chậu đẹp, độc đáo sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp của hoa, cây kiểng. Hơn hết, đó còn là cách thể hiện được phong cách và độ "chịu chơi" của người sở hữu.
Chạy theo xu thế đó, thời điểm này, những người theo nghề "xoay chậu" đang tất bật chuẩn bị sản phẩm để cung ứng ra thị trường, phục vụ người trồng hoa, kiểng trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Ông Nguyễn Quang (58 tuổi) - chủ cơ sở làm chậu tại phường Tân Thạnh (TP Tam Kỳ) cho biết, nghề làm chậu kiểng sản xuất quanh năm nhưng đến khoảng cuối tháng 11 âm lịch là thời điểm làm ăn sôi nổi nhất.
Chậu làm ra chủ yếu cung cấp cho các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng phục vụ Tết. Hiện mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được từ 8-15 chậu, nhưng phải 2 ngày mới cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi chậu hoa sẽ có mức giá từ 150 ngàn đồng đến 4 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng và độ tinh xảo.
Nguyên liệu chính để làm chậu là sắt thép, cát, xi măng. Trước kia, chậu chỉ được làm bằng xi măng nên thường bán cho các nhà vườn, nhưng nay dòng chậu có cốt thép chịu lực phù hợp để trang trí, phối cảnh cho cây bán khá đắt hàng.
"Hiện nay các cơ sở làm chậu đã có khuôn định hình mẫu sẵn, không phải làm bằng khuôn quay như trước. Nhưng nhiều chậu vẫn phải làm thủ công. Cũng vì thế mà chậu ở đây được nhiều người lựa chọn", ông Quang chia sẻ.
Gắn bó với nghề làm chậu cây cảnh đã hơn 5 năm nay ông Nguyễn Thế Truyền (57 tuổi, trú tại phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) chia sẻ, hiện tại đang vào mùa Tết nên công việc khá nhiều.
Để làm ra một chiếc chậu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi thợ đều nắm rõ quy trình làm và đòi hỏi kỹ thuật, bí quyết riêng của người làm nghề.
Quy trình sản xuất, chậu được quay theo khuôn có sẵn, sau khi lên khuôn cần để khoảng một ngày mới khô. Khi chậu khô người thợ mới làm láng, sơn màu.
"Cơ sở này có 5 thợ, mỗi ngày có thể làm được 10-15 chậu tùy kích thước. Gần Tết, lượng hàng lớn, làm ngày, làm đêm vẫn không hết việc. Ở đây, tiền công được tính 400.000 đồng/ngày. Làm đủ một tháng, tôi kiếm được 12 triệu đồng. Tết làm nhiều và bán được chậu thì sẽ có thưởng thêm", ông Truyền nói.
Thách thức thị trường
Cũng như nhiều cơ sở sản xuất chậu khác, những ngày này, cơ sở của ông Đoàn Phúc Quang (43 tuổi, trú phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) cũng đang tất bật với việc sản xuất chậu kiểng.
Cơ sở này chuyên sản xuất những loại chậu tròn, vuông, lục giác… Các sản phẩm giá từ 150.000 đồng đến 5 triệu đồng/chậu tùy vào kích thước, mẫu mã.
Ông Quang cho biết, năm ngoái cơ sở của ông bán hơn 1.000 chậu. Riêng dịp Tết ông đã bán ra thị trường được hơn 300 chậu. Trừ hết chi phí, cơ sở thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại các đơn hàng vẫn chưa đặt nhiều. Chưa nắm chắc được thị trường nhưng cơ sở vẫn chuẩn bị nguồn hàng khoảng 300 chậu như hàng năm để chủ động cung ứng thị trường Tết.
"Mỗi năm có một mùa Tết, vì thế tôi rất trông đợi và kỳ vọng vào việc bán hàng dịp Tết này. Hiện cơ sở của tôi có 5 nhân công, bình thường thì nghỉ Chủ nhật. Riêng những ngày này thì làm cả tuần để kịp sản xuất. Tết năm nay nếu may mắn thì thu nhập cho tôi và nhân công là 12-20 triệu đồng/người", ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết thêm, căn cứ theo tình hình hiện tại thì phải chờ đến sát Tết, hàng mới xuất đi đồng loạt. Kinh nghiệm cho thấy thời điểm đó, người dân hay thương lái mới quyết định "xuống tiền" để buôn hoa hay mua chậu về chơi Tết.
Mùa Tết năm nay, không chỉ ông Quang mà những người làm nghề "xoay chậu" đều hi vọng dịch Covid-19 được kiểm soát để người dân yên tâm mua sắm, cơ sở sản xuất chậu cây cảnh tăng doanh số bán hàng, cho gia đình có cái tết đầm ấm, sung túc hơn.