Thứ trưởng Lê Quân:
“Gắn kết doanh nghiệp và nhà trường để giải áp lực nguồn nhân lực có tay nghề...”
(Dân trí) - “Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá chỉ số dạy nghề của Việt Nam tăng 13 bậc trong năm 2018. Tuy nhiên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần được chú trọng để có thể tăng nhiều hơn nữa, nhằm gắn kết doanh nghiệp và nhà trường. Bởi cả 2 đều có những áp lực riêng...”
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại buổi Gặp mặt báo chí giới thiệu Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề: “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, chiều 11/11, tại Hà Nội.
Được biết, Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sẽ được tổ chức từ ngày 15-16/11 tại Hà Nội do 3 Bộ đồng tổ chức, gồm: Bộ LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, một trong những nội dung chính của Diễn đàn là bàn các giải pháp gắn kết có hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà trường, qua đó nâng chất hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.
“Trong bối cảnh của cuộc cách mạng lần thứ 4, lao động Việt Nam chịu nhiều áp lực về chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng môi trường và đào tạo lại. Tôi cho rằng chỉ có một yếu tố duy nhất để thay đổi được giáo dục nghề nghiệp và cung ứng được nhân lực cao tay nghề cao cho xã hội. Đó là tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp” - Thứ trưởng Lê Quân nói.
Phân tích sâu hơn, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng nhà trường và doanh nghiệp có thể dựa vào nhau để giải quyết bài toán áp lực về nguồn nhân lực có tay nghề.
“Doanh nghiệp luôn cần nhân có tay nghề nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Nhà trường cần “đầu ra” có chất lượng và việc làm ổn định cho người học. Do đó, việc tăng cường sự gắn kết của cả 2 phía sẽ cùng giải quyết bài toán này” - Thứ trưởng Lê Quân nói.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Diễn đàn còn là dịp khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Qua đó đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Cũng theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại cuộc họp, khi tiếp cận với nhà trường, doanh nghiệp có thể được đáp ứng được nhu cầu nhân lực đang cần chỉ cần qua chu kỳ đào tạo ngắn từ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm.
“Còn nếu thụ động chờ tuyển lao động trên thị trường, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn” - Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH đã cắt giảm nhiều thủ tục để tăng cường sự gắn kết và tự chủ giữa nhà trường và doanh nghiệp”.
Thông qua các chính sách mới, nhà trường có thể tự tổ chức tuyển sinh, đào tạo và điều chỉnh chương trình đào tạo để thích ứng với yêu cầu doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho phép các nhà trường có thể thực hiện chương trình đào tạo đến 70 % là thực hành. Nhà trường có thể để doanh nghiệp tham gia tới 45 % chương trình đào tạo. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định cho phép nhiều quy định của doanh nghiệp tham gia vào đào tạo.
“Tôi kỳ vọng trong 5 năm tới đây là giai đoạn bứt phá trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bởi vì cả hai phía đều có cùng chịu áp lực và động lực” - Thứ trưởng Lê Quân kết luận.
Được biết, Diễn đàn chính được tổ chức gồm 3 phiên dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gồm: Nguồn nhân lực có kỹ năng - Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời bên lề Diễn đàn còn là chuỗi các sự kiện liên quan như: Trưng bày các mô hình, hình ảnh và trang thiết bị đào tạo tiêu biểu trong gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đào tạo, cung ứng nhân lực; Các cơ sở giáo dục nghiệp nghiệp ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp...
Các hội thảo chuyên đề diễn ra tại Diễn đàn
Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0.
Thực trạng và giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp.
Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.
Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hoàng Mạnh