1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thứ trưởng Lê Quân: “Học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể học lên cao đẳng”

(Dân trí) - “Điều 27 có thể sửa là học sinh trung học cơ sở không chỉ được học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng. Đây không là điều mới mẻ. Bởi, mô hình học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể học lên cao đẳng đã được áp dụng thí điểm ở hơn 10 trường cao đẳng nhiều năm qua”.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định về các nội dung góp ý đối với dự án Luật Giáo dục sửa đổi.

Liên quan tới nội dung học liên thông của học sinh bậc phổ thông trong dự án Luật Giáo dục, Thứ trưởng Lê Quân nêu ra thực tế tồn tại nhiều năm qua.

“Luật quy định hết lớp 9 vào học trung cấp. Các em đã yếu học trung cấp lại vừa phải học văn hóa. Điều này dẫn đến tình trạng chương trình đào tạo có phần hơi nặng và không hợp lý” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Thứ trưởng Lê Quân: “Học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể học lên cao đẳng” - 1

 Thứ trưởng Lê Quân. (ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, học sinh học hết trung cấp muốn liên thông lên cao đẳng phải hoàn thành khối lượng văn hóa khá nặng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều em học xong trung cấp nhưng muốn lên thì phải học thêm 1 năm để lấy văn hóa để có thể tính liên thông với hệ cao đẳng.

Đây là một trong những “nút thắt” trong vấn đề liên thông. Theo Thứ trưởng Lê Quân, nếu chưa làm tốt thì việc phân luồng sẽ gặp khó khăn.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Lê Quân đề nghị sửa nội dung Điều 27 trong dự án Luật thành cho phép các em học hết trung học cơ sở có thể tham gia trung cấp hoặc học cao đẳng ngay. “Khi đó chúng ta sẽ thiết kế chương trình sẽ đảm bảo phù hợp hơn”.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm mô hình học hết 9 năm lên học cao đẳng. Chương trình dài 3-4 năm được thiết kế gồm dạy văn hóa cả kỹ năng nghề. Khi ra nghề, các em tầm 18-19 tuổi và có thể gia nhập thị trường lao động.

“Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Giải thích thêm, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Học hết bậc dưới phải đủ điều kiện liên thông lên bậc trên trong khung trình độ quốc gia. Thiếu năng lực gì thì chương trình đào tạo bổ sung nội dung đó, không nên tồn tại một chương trình trung cấp nghề song song hoặc độc lập với chương trình văn hóa.

"Việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) học lên trung cấp hay cao đẳng cần tùy theo nhu cầu và thực tiễn. Có những ngành nghề chỉ cần trình độ trung cấp, có những ngành nghề phải mất 3-4 năm mới thành nghề” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Cần quan tâm hơn nữa tới học sinh không thi đỗ vào THPT

Thứ trưởng Lê Quân nhận xét: “Thực tế cho thấy, nhiều người không quan tâm đến các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học trung học phổ thông. Hiện nay, những em này dường như ít được quan tâm, phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên và có thể gây ra sự lãng phí nguồn lực xã hội.

Trong khi đó, lao động trẻ gia nhập thị trường lao động sớm đang là xu hướng của thế giới. Nếu các em theo học phân luồng sớm: Hết trung học cơ sở vào học nghề, các em khi đó chỉ 18 hoặc 19 tuổi đã có thể gia nhập thị trường lao động. Điều này có thể giúp các em không tốn nhiều thời gian để có thể nhận mức lương tháng từ 8-9 triệu đồng/tháng. Sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng đại học.

Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp. Chúng ta gửi con em đi Anh học thì không nhất thiết phải học xong THPT để lấy bằng. Các em có thể học những chứng chỉ và xác nhận, sau đó các em học tiếp”.

Hoàng Mạnh