Để xã hội phát triển bền vững phải có công nghệ, không thể "chạy bằng cơm"
(Dân trí) - Lãnh đạo, chủ doanh nghiệp khuyên bạn trẻ khởi nghiệp phải chú trọng vào công nghệ vì đó là vũ khí, cũng như gắn với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường sống.
Nhiều lãnh đạo trường đại học, chủ doanh nghiệp đã có chia sẻ những kinh nghiệm, tạo cảm hứng khởi nghiệp với nhiều bạn trẻ ở Cà Mau tại diễn đàn khởi nghiệp do tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 25-26/10.
Không thể chạy đua bằng... cơm!
Chia sẻ với các bạn trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT - khẳng định, ngày nay công nghệ là vũ khí.
"Làm sao tạo ra màng bọc sinh học trên lá đinh lăng để giữ được 2 tuần đến 3 tháng; chuyển nước biển thành nước ngọt; phân tích bồi, lở vùng đồng bằng, dòng chảy; tạo ra một lọ thuốc ho hợp vệ sinh…", ông Tiến khẳng định tất cả đều nhờ công nghệ để tự động, điều khiển chứ không thể "chạy bằng cơm".
Theo ông Tiến, công nghệ ở đây không chỉ là công nghệ thông tin, mà còn là công nghệ sinh học, công nghệ vật lý, công nghệ hóa chất, chăn nuôi,… đều góp phần vào việc đó.
Trong khởi nghiệp, có những dự án dù lớn hay nhỏ đều quan trọng khi góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
"Ngày hôm nay công nghệ không còn là công cụ, không còn độc quyền của những nước lớn, tổ chức lớn mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, trong đó có bạn trẻ để góp phần làm thay đổi và phát triển địa phương", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến khuyên bạn trẻ khởi nghiệp luôn giữ tinh thần suy nghĩ không cũ về những việc không mới. Việc bảo vệ Cà Mau nói riêng, ĐSBCL nói chung không phải là mới nhưng chúng ta phải đột phá, đổi mới, sáng tạo, thay đổi để làm được điều đó.
Lời khuyên thay đổi suy nghĩ của chủ tịch doanh nghiệp
Tại diễn đàn, chia sẻ việc phát triển doanh nghiệp và bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường đâu là yếu tố ưu tiên khi khởi nghiệp, ông Văn Công Nguyện, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Green Dragon, cho rằng sự phát triển kinh tế đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng sức khỏe con người và các hệ sinh thái khác.
Do đó, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống và sự phát triển của chúng ta.
"Có một vài bạn trẻ muốn khởi nghiệp do chưa có điều kiện nên tập trung làm kinh tế trước, sau đó mới bảo vệ môi trường. Nhưng vấn đề là khi các bạn có kinh tế rồi thì còn môi trường để bảo vệ hay không?", ông Nguyện băn khoăn.
"Sự phát triển của doanh nghiệp và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường không thể tách rời, luôn tồn tại cùng nhau", ông Nguyện khẳng định và cho rằng theo xu thế hiện nay, để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp phải có cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội, môi trường.
Con đường khởi nghiệp là con đường đầy khó khăn, thách thức, thậm chí thất bại chỉ sau một thời gian rất ngắn. Ông Nguyện nhấn mạnh, nếu các bạn trẻ có quyết tâm, có tư duy, ý tưởng kinh doanh tốt để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho xã hội thì sẽ thực hiện được.
Gửi gắm với bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Cà Mau, theo ông Văn Công Nguyện, tỉnh này có đủ các thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ nhưng hiện nay chưa được khai thác hiệu quả.
Từ đánh giá đó, ông khuyên bạn trẻ có thể khởi nghiệp phát triển thêm về du lịch, đặc biệt là sinh thái, cộng đồng, lấy chìa khóa "bảo tồn và phát triển bền vững" làm kim chỉ nam để định hình các sản phẩm.
"Có tiến sĩ khi đến thăm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, có phát biểu Cà Mau không cần làm gì cả, chỉ cần bán không khí sạch thôi là đủ giàu rồi", ông Nguyện kể và cho rằng tỉnh nên trồng rừng với quy mô lớn và thay đổi suy nghĩ "vì lợi ích 10 năm trồng cây".
"Trồng cây 10 năm chỉ có thể trồng keo, bạch đàn để khai thác; cần phải định hình trồng cây vì lợi ích trăm năm, nghìn năm để xây dựng hệ sinh thái dưới tán rừng bền vững và khai thác phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội", ông Nguyện nêu ý kiến.