Gần 200 lao động từ Libya về nước bằng chuyên cơ: Sau niềm vui là nợ nần, thất nghiệp

Ngày 10/8, 186 lao động làm việc tại Libya đã về nước an toàn bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines từ Ai Cập. Nước mắt vỡ oà trong ngày vui về nước, nhưng ẩn đằng sau là nỗi lo nợ nần, không việc.

Những lao động đầu tiên xuống máy bay ngày 10/8 tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.C - L.H.V
 Những lao động đầu tiên xuống máy bay ngày 10/8 tại sân bay Nội Bài. Ảnh: P.C - L.H.V

Hai lần hồi hương

Ngày 10/8, chuyên cơ Vietnam Airlines xuất phát từ Cairo (Ai Cập) đưa 186 lao động (trong đó có 184 người Việt Nam và 2 người Hàn Quốc) đã hạ cánh an toàn xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Đây là số lao động do Cty Vinamex của Việt Nam đưa đi, làm việc cho Cty Hyundai Engineering tại thành phố Al Bayda (Libya), cách vùng giao tranh Benghazi khoảng 200 km.

Trong đám đông đang chờ đón người thân, người đàn ông nhỏ thó, da ngăm đen, một mắt bị hỏng đứng ngồi không yên. Khi thấy con trai bước ra cửa sân bay, ông lao đến. Ông là Đỗ Văn Khanh, quê ở huyện Thạch Thất (Hà Nội); còn con trai là Đỗ Mạnh Cường.

Trong khi chờ con trai, ông Khanh cứ đi ra đi vào. Tâm sự với PV Tiền Phong, ông cho biết, để đi Libya, anh Cường phải vay tiền ngân hàng. “Đang làm việc bình thường nay về giữa chừng, nó lấy đâu tiền trả nợ.

Đi nước ngoài để mong thay đổi cuộc sống, ai ngờ đã nghèo giờ còn nghèo thêm”, ông Khanh nói. Mong muốn của ông Khanh là Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để con trai ông có tiền trả nợ ngân hàng.

Từ trưa, hai con anh Hoàng Văn Thành (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là Hoàng Thị Dung và Hoàng Văn Tuấn đã có mặt tại Nội Bài ngóng trông bố. Dung cho biết, đây là lần thứ 2 anh Thành phải về nước sớm khi đang làm việc tại Libya.

“Năm 2011, bố em cũng từng phải rời Libya về nước vì nội chiến. Lần đó, không lo lắm vì chiến sự chỉ xảy ra ở một số nơi. Nhưng lần này, cả nhà ai cũng lo vì nghe nói giao tranh xảy ra khắp nơi ở Libya”, Dung tâm sự.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, tính đến hết ngày 10/8, đã có 455 lao động về nước an toàn. Trước đó, ngày 9/8, đã có 25 lao động về nước từ vùng chiến sự Benghazi. Đây là số lao động do Cty Vinaconexmec và Simco Sông Đà đưa sang làm việc tại Libya giữa năm 2013.



Đến Nội Bài cùng chị em Dung còn có bác ruột Hoàng Văn Minh. Theo ông Minh, sau khi đi Libya về nước năm 2011, anh Hoàng Văn Thành tiếp tục sang Angola làm việc. Tuy nhiên, do bị lừa, bị cướp hết đồ đạc nên sau 6 tháng phải về nước.

Chiến sự vẫn rất căng thẳng

heo nhiều lao động, tình hình chiến sự tại Libya rất căng thẳng. Dù làm việc cách vùng giao tranh 200km, nhưng tiếng súng có thể nghe thấy hằng ngày. Lý do, người dân Libya được sử dụng súng.

“Thực tình, anh em làm việc rất hoang mang, vì ở Libya đọ súng liên miên. Còn tình hình dịch bệnh Ebola thì không vấn đề gì”, Nguyễn Văn Lệnh, 32 tuổi, quê Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết.
Các lao động từ Libya về đến sân bay Nội Bài.  Ảnh: P.C - L.H.V
 Các lao động từ Libya về đến sân bay Nội Bài.  Ảnh: P.C - L.H.V

Anh Lệnh sang Libya làm việc đã được 8 tháng. Chi phí trước khi đi là 43,8 triệu đồng. Đến thời điểm trước khi về nước, anh Lệnh mới trả hết nợ ngân hàng. Anh Lệnh cho biết, đa số các thành phố lớn của Libya đang xảy ra giao tranh nên các công trường xây dựng phải đóng cửa, chủ sử dụng lao động đang tìm cách đưa hết lao động về nước.

Anh Nguyễn Văn Sơn, 35 tuổi, quê Thanh Hóa sang Libya làm việc được hơn một năm. Đặt chân đến Nội Bài, anh Sơn vẻ mặt vẫn đầy âu lo.

“Bên đó, chiến sự quá phức tạp. Dịch Ebola dù chưa lan tới công trường nhưng ở địa điểm xảy ra giao tranh đã có. Năm 2011, tôi cũng sang Libya làm việc và phải về vì chiến tranh. Giờ cảm giác cũng như lần trước, có thể thở phào nhẹ nhõm. Anh em đồng hương bên đấy rất tốt, hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Mức lương được 400 USD/tháng, công việc tuy nặng nhọc, nhưng thu nhập như vậy cũng khá tốt so với ở nhà”, anh Sơn cho biết.

Anh Nguyễn Văn Phương (Mê Linh, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui. Anh Phương cho biết, đã sang Libya làm việc được hơn 8 tháng, giờ về được quê hương là an tâm.

Lao động được hỗ trợ cao nhất 5 triệu đồng

Ngày 10/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lao động trở về từ Libya sẽ được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ. “Tùy theo từng trường hợp lao động sẽ được hỗ trợ mức tối đa là 5 triệu đồng. Để được hỗ trợ, thủ tục cũng đơn giản”, ông Quỳnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Hải (Giám đốc Cty Vinamex), trước mắt Cty sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng và cho ô tô đưa lao động ra bến xe về quê. “Số lao động về nước lần này may mắn được chủ sử dụng thuê chuyên cơ đưa từ Libya sang Ai Cập và từ Ai Cập về Việt Nam. Với số lao động còn lại (Vinamex có tổng cộng 720 lao động làm việc tại Libya - PV), sẽ tiếp tục được bố trí để về nước trong thời gian tới”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, Cty Vinamex sẽ miễn phí hoàn toàn cho các lao động có thời gian làm việc ngắn tại Libya vừa về nước để sang Ả rập Xê út, Qarta, Dubai... làm việc.

Đang tìm những lao động mất tích

Đó là khẳng định của ông Lương Thanh Quảng, trợ lý Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tại sân bay quốc tế Nội Bài, ngày 10/8.

Theo ông Quảng, khó khăn lớn nhất hiện nay là các lao động Việt Nam làm việc tại Libya theo nhiều Cty môi giới nhỏ, rải rác ở nhiều thành phố khác nhau. Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ,TB&XH và đã có những phương án sơ tán trong trường hợp xấu nhất là chiến tranh xảy ra trên diện rộng.

Trước thông tin có một số lao động mất tích, ông Quảng nói: “Chúng tôi đang phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH xác minh, cũng như phối hợp với các cơ quan nước sở tại, lực lượng lao động Việt Nam ở Libya để tìm 3 lao động này. Theo chúng tôi được biết, 3 lao động này tự ý bỏ ra ngoài nên ngoài tầm kiểm soát của cơ quan đại diện ngoại giao cũng như Cty sử dụng lao động”.

Về việc một số lao động Việt Nam bị bỏ đói ở sân bay khi di tản, ông Quảng cho biết: “Trường hợp 25 lao động bị bỏ đói là tại cửa khẩu Libya sang Ai Cập. Tuy nhiên, do biên giới Ai Cập thời điểm đó đã đóng cửa, các lao động phải chờ đợi làm thủ tục. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan đại diện tại Ai Cập thường xuyên liên hệ chính quyền sở tại, đặc biệt là Phủ Tổng thống Ai Cập.

Bởi vì vấn đề này chỉ Tổng thống mới được phép quyết định mở lại cửa khẩu hay không. Có lẽ do luật pháp của nước bạn nên cán bộ của ta không tiếp cận được ngay với lao động di tản nên trong thời gian đó, các lao động của ta có thể bị đói”.

 
 Theo P.Cầm - H.Việt/Báo Tiền Phong