Lao động Việt Nam về từ Lybia: Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?

(Dân trí) - Con số 184 lao động Việt Nam từ Lybia về nước (chiều 10/8 tại Hà Nội) là từng đó nỗi niềm trăn trở về cơm áo gạo tiền: Công việc tiếp theo là gì? Làm gì để nuôi vợ con? Nguồn tiền ở đâu để trang trải những nợ nần cho chi phí của chuyến đi dở dang này?

Lao động Việt nam về từ Lybia:  Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?
Sau an toàn tính mạng, nỗi lo việc làm lại ập tới.

Cần việc làm ổn định

Đó là tâm sự của nhiều lao động vừa từ Lybia xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Trong đó có anh Nguyễn Văn Phương (quê ở Mê Linh, Hà Nội).

Mới làm việc được 8 tháng tại Lybia, anh Phương được công ty phái cử cho di tản về nước. Đây cũng là lần thứ 2 anh Phương đi làm việc ở Lybia. Hai lần đi làm việc đều phải bỏ dở về vì chiến sự.

Anh Phương buồn rầu: “Tôi là người trắng tay! Gia đình chi hết 50 triệu đồng cho chuyến đi. Sau 8 tháng làm việc, tôi mới gửi được chừng đó tiền về nhà thì phải về nước”.

Lao động Việt Nam về từ Lybia:  Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?
                              Anh Nguyễn Văn Phương nghẹn ngào tâm sự.

Tâm nguyện lớn nhất của anh Phương là tìm được công việc ổn định tại quê nhà. “Tôi mong tìm được công ăn việc làm tại Việt Nam chứ không phải đi thêm lần nữa” - người đàn ông 26 tuổi này bộc bạch.

Cũng tâm trạng như anh Phương, anh Trần Văn Trục (quê ở Vĩnh Phúc) nói: “Bây giờ về nước, tôi và nhiều anh em lao động không biết làm gì!”.

Đau lòng hơn, anh Trần Văn Trục cho biết, nhiều người mới sang làm việc được 2-3 tháng còn chưa kịp thu lại chi phí bỏ ra.

Có quê xa hơn anh Trục, anh Trần Sơn Tình (ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) còn phải cầm cố sổ giấy tờ đất đai để có tiền đi Lybia.

“Gia đình không biết cuộc sống ra sao khi nguồn thu nhập chính từ công việc của tôi mấy đi. Gia đình đã phải cầm cố sổ đỏ để có kinh phí cho chuyến đi của tôi. Mới làm được 6 tháng vừa đủ tiền vốn thì lại phải về nước”.

Nỗi lòng đau đáu về câu chuyện miếng cơm manh áo của những lao động từ Lybia về còn lan tới người thân của họ.

Ông Đỗ Văn Khanh (65 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội) băn khoăn về tương lai công việc của con trai Đỗ Mạnh Cường - một lao động cũng về đợt này. “Con tôi có 15 năm bộ đội, gia đình thuộc diện cận nghèo của xã. Vợ cháu làm nông nghiệp chật vật nuôi 2 đứa con ăn học”.

Lao động Việt nam về từ Lybiš:  Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?
                                           Ông Đỗ Văn Khanh.     

“Cảnh nghèo nên mới phải đi xuất khẩu lao động” - ông Khanh chua chát thừa nhận.

“Hợp đồng lao động thời hạn 2 năm nhưng sau 8 tháng đã phải về nước. Con tôi không tự phá hợp đồng mà do chiến tranh gây nên. Công việc của con tôi sẽ ra sao? Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ kịp thời!”.

“Như hạn chờ mưa”

Có lẽ còn dồn nhiều nỗ lực vào việc đưa lao động về nước an toàn, các doanh nghiệp phái cử lao động và đơn vị liên quan chưa có nhiều biện pháp bền vững để hỗ trợ lao động trong thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Việt Hải - GĐ Cty Vinamex, đơn vị phái cử 184 lao động trên sang Lybia làm việc - cho biết, công ty đã nỗ lực cử nhân sự sang thực địa để làm việc với chủ lao động và tiếp lương thực cho số lao động đang chờ về Việt Nam.

Lao động Việt nam về từ Lybia:  Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?
Trở về với nhiều nỗi lo việc làm.

Ông Hải cho biết, đây là rủi ro khách quan và các bên đều chịu thiệt thòi.

“Về chủ trương hỗ trợ lâu dài, chúng tôi sẽ chờ ý kiến từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Đứng về phía công ty, chúng tôi sẽ hỗ trợ những lao động mới sang làm việc tại Lybia được 2-3 tháng chuyển sang đơn hàng khác miễn phí, nếu họ có nguyện vọng”.

Với những lao động đã làm việc tại Lybia trong thời gian lâu hơn, ông Hải cho biết họ chỉ cần đóng một ít phí visa.

“Trước mắt, công ty sẽ hỗ trợ đưa lao động ra bến xe để về quê và hỗ trợ 1.000.000 đồng/người để mua vé tàu xe” - ông Hải nói.

Lao động Việt nam về từĠLybia:  Ngày mai, chúng tôi sẽ làm việc gì?
                   Ông Bung Hun Jung.

Với đại diện của công ty Huyndai Engineering - đơn vị sử dụng sốĠlao động Việt nam trên tại Lybia - cam kết ban đầu là “sẽ ưu tiên xem xét giới thiệu lao động tới các dự án mà tổng thầu đang thực hiện”.

Theo ông Bung Hun Jung - Trưởng VP Đại diện Công ty Huyndai Engineering tại Hà Nội - công ty là tổng thầu nhiều công trình trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Philipin và Lào.

Ông Bung Hun Jung cho biết, công ty đã chi một khoản tiền lớn để thuê 3 máy bay đưa lao động Việt Nam ra khỏi Lybia.

Một khẳng định hiếm hoi và cụ thể nhất của ông Bung Hun Jung trong lúc này, đó là cam kết thanh toán đầy đủ lương cho những ngày làm việc cuối cùng của lao động Việt Nam tại Lybia.

Hoàng Mạnh