Nghệ An:
Gần 14.000 lao động đi nước ngoài, nửa tỉ USD "chảy" về nước mỗi năm
(Dân trí) - Bình quân mỗi năm có 13-14 nghìn lao động Nghệ An đi xuất khẩu theo diện hợp đồng. Lượng kiều hối lao động ở nước ngoài gửi về đạt khoảng 500 triệu USD/năm.
Theo số liệu được cung cấp tại buổi làm việc của tỉnh Nghệ An với Đoàn giám sát của UB Đối ngoại của Quốc hội vào sáng 15/9, từ năm 2015 đến tháng 8/2022, địa phương này có 104.764 người đi làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng.
Bình quân mỗi năm, có khoảng 13.000-14.000 lao động Nghệ An xuất cảnh sang nước ngoài làm việc thông qua con đường xuất khẩu lao động chính ngạch. Thời điểm này, có hơn 65.000 công dân Nghệ An đang lao động tại các nước.
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực khi người lao động được rèn luyện tác phong lao động công nghiệp; nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình. Hoạt động xuất khẩu lao động cũng góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng quê hương...
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nghệ An, lượng kiều hối qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh này đạt trung bình khoảng 250 triệu USD/năm. Ngoài ra, còn có số lượng kiều hối rất lớn gửi qua kênh không chính thức. Hàng năm kiều hối chuyển về tỉnh Nghệ An khoảng 500 triệu USD.
Lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào Nghệ An ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc ổn định, nâng cao đời sống, thu nhập của các gia đình, hỗ trợ chính quyền các cấp xây dựng quê hương, đặc biệt là các hoạt động thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng lao động vẫn còn. Đặc biệt, hiện địa phương này có 3 đơn vị cấp huyện bị "cấm cửa" đưa lao động sang thị trường Hàn Quốc, gồm thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc do có nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng không trở về nước mà trốn ở lại cư trú bất hợp pháp. Công tác xác minh, theo dõi, quản lý số công dân Nghệ An vi phạm pháp luật tại nước ngoài, không được phía nước ngoài cho cư trú, đẩy đuổi trục xuất về địa phương có lúc, có nơi còn chưa thật sự chú trọng, thiếu tính kịp thời…
Theo ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công khai minh bạch hợp đồng tuyển dụng lao động, đơn hàng và các điều kiện cũng như chi phí, tiền lương, thu nhập của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Sở cũng đã đưa ra những cảnh báo rủi ro sẽ gặp phải khi đi lao động ở nước ngoài tự do (không theo hợp đồng); tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và việc chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh; chỉ đạo đẩy mạnh mô hình liên kết giữa xã, phường, thị trấn với đơn vị hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hoạt động dịch vụ việc làm góp phần đưa công tác xuất khẩu lao động theo hướng có hiệu quả hơn…
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện Nghệ An có khoảng 100.000 người lưu trú tại 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cộng đồng người Nghệ An ở nước ngoài luôn chấp hành pháp luật nước sở tại, phần lớn có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với môi trường nước sở tại; luôn hướng về xây dựng quê hương đất nước, có đóng góp đối với mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam nói chung, giữa các địa phương nơi bà con sinh sống với tỉnh Nghệ An nói riêng.