1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Được tăng lương "kép", công nhân thốt lên "quá đã"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Cùng với mức tăng lương tối thiểu 6%, nhiều khu vực tại Nghệ An lại được nâng từ vùng 3 lên vùng 2, thu nhập của công nhân nơi này sẽ tăng thêm 600-720 nghìn đồng/tháng.

Tăng lương "kép"

Theo Nghị định 38/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu được điều chỉnh lên 6%, tương ứng mức tăng từ 180.000-260.000 đồng. Người lao động tại Nghệ An còn có thêm niềm vui khi nhiều địa phương trong tỉnh được nâng một bậc trong quy định vùng lương.

Cụ thể, các địa phương như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc được nâng từ lương vùng III lên vùng II; thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa, các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn và Nghĩa Đàn từ vùng IV nâng lên vùng III. Còn lại, 9 huyện miền núi của Nghệ An vẫn thuộc vùng IV.

Được tăng lương kép, công nhân thốt lên quá đã - 1

Ngoài mức tăng lương tối thiểu 6%, công nhân Nghệ An còn được nâng vùng lương nên mức tăng lương tới 600-700 nghìn đồng/tháng.

Theo bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, việc Chính phủ điều chỉnh vùng lương một số địa phương thuộc tỉnh Nghệ An là kết quả của cả một quá trình dài, liên tục kiến nghị của tổ chức công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, cũng như Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An tới các cơ quan chức năng.

"Với việc vừa tăng lương tối thiểu 6%, vừa nâng vùng, lương người lao động tại Nghệ An được tăng cao nhất là 730 nghìn đồng/tháng, một số vùng tăng 600 nghìn đồng/tháng. Sự điều chỉnh này đáp ứng mong mỏi của người lao động và tiệm cận hơn đối với chi phí sinh hoạt của công nhân tại nhiều khu vực trong tỉnh, đặc biệt là các đô thị, nơi giá cả các vật dụng thiết yếu và giá thực phẩm không có sự chênh lệch đáng kể so với các đô thị lớn trong nước", bà Nguyệt cho hay.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Nguyệt cũng cho rằng, việc nâng lương cơ bản và nâng vùng lương cũng sẽ có tác động đến doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tăng lương là xu hướng tất yếu và phù hợp, buộc các doanh nghiệp phải cân đối lại để đảm bảo vừa duy trì sản xuất, vừa giữ chân người lao động.

Được tăng lương kép, công nhân thốt lên quá đã - 2

Chi tiết vùng lương của các địa phương tỉnh Nghệ An theo Nghị định 38/NĐ-CP.

Trước thông tin tăng lương "kép", chị Trần Thị Châu (Công ty Matsuoka, Khu công nghiệp Vsip Nghệ An, đóng tại huyện Hưng Nguyên) thốt lên mừng rỡ "quá đã". Hiện, mức thu nhập của chị Châu là khoảng trên 6 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền tăng ca.

"Tăng 6% lương tối thiểu và nâng vùng lương từ vùng III lên vùng II thì tôi được tăng hơn 700 nghìn đồng, gần bằng khoản tiền làm tăng ca trong tháng", chị Châu tính toán.

Công nhân khấp khởi mừng, phấp phỏng lo

Anh Phan Bá Tính - Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An) hiện có mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng nếu tăng ca đều. Hiện anh Tính đang ở trọ đối diện công ty, riêng chi phí ăn mất khoảng 4 triệu đồng.

"Nếu trong tháng có đám hay sinh nhật, nhà có việc nhiều thì không còn tiền tích lũy", nam công nhân cho biết. Thời gian gần đây, anh Tính không có nhiều việc để tăng ca, thu nhập chỉ ở mức 6-7 triệu đồng, phải cố gắng cắt giảm chi tiêu mới đủ.

Được tăng lương kép, công nhân thốt lên quá đã - 3

Anh Nguyễn Văn Tính: "Được tăng lương "kép", công nhân hết sức vui mừng".

"Được tăng lương tối thiểu, nâng vùng lương đối với công nhân lao động là điều hết sức vui mừng. Khoản tiền này sẽ giúp công nhân chúng tôi thêm vào chi phí chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong thời điểm xăng liên tục tăng giá, kéo theo giá cả thực phẩm cũng như các chi phí khác đều đội lên", anh Tính chia sẻ.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập của chị Trần Thị Hà (công nhân một công ty may tại khu công nghiệp Bắc Vinh) bị giảm sâu. Cuối năm, tình hình sản xuất mới ổn định trở lại nhưng niềm vui của người lao động không kéo dài được lâu.

Được tăng lương kép, công nhân thốt lên quá đã - 4

Người lao động Nghệ An tìm hiểu quy định tăng lương theo Nghị định 38/NĐ-CP.

"Thời gian đầu của giai đoạn phục hồi sản xuất, do đơn hàng tồn nhiều, phải đẩy nhanh tiến độ để kịp giao cho khách nên thu thập của công nhân chúng tôi cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, mấy tháng nay, công ty ít đơn hàng, không còn tăng ca nữa, thu nhập lại giảm. Tháng cao điểm, tôi nhận 10 triệu đồng thì nay chỉ xấp chỉ 6 triệu đồng, trong khi các chi phí sinh hoạt khác đều tăng", chị Hà cho hay.

Trước thông tin tăng lương "kép", nữ công nhân này hết sức vui mừng bởi có thêm chi phí xăng xe cho quãng đường từ nhà đến công ty khoảng hơn 20km mỗi ngày. Chị Hà mong muốn doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn để người lao động có việc làm đều, có mức thu nhập đủ đảm bảo đời sống. Nữ công nhân này cũng mong muốn công nhân tại Nghệ An sẽ sớm được tiếp cận chính sách bình ổn giá để giảm thiểu tác động do giá xăng và giá hàng hóa dịch vụ tăng.