Tăng lương tối thiểu: "Quyết định kịp thời hướng về công nhân lao động"
(Dân trí) - Trước quyết định tăng lương tối thiểu từ đầu tháng tới, công nhân tại các khu công nghiệp ở Thanh Hóa vui mừng, phấn khởi. Lương tăng giúp người lao động có thêm động lực làm việc.
Thêm động lực giữa thời "bão giá"
Từ huyện miền núi Như Xuân xuống thành phố Thanh Hóa làm công nhân đã hơn 5 năm nhưng cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Thủy (34 tuổi, làm việc tại khu công nghiệp Lễ Môn) còn nhiều khó khăn, vất vả. Tổng thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 7 triệu đồng, trong đó, lương cơ bản chỉ hơn 5 triệu đồng.
Trước kia, mỗi tháng lương, chị tiết kiệm gửi về nhà 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, hai năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xăng tăng giá khiến nhu yếu phẩm cũng leo thang, dù đã thắt chặt chi tiêu nhưng mỗi tháng chị chỉ còn gửi được 2-3 triệu đồng.
"Lương thấp mà thời gian qua giá xăng tăng khiến chúng tôi phải chật vật, thắt chặt chi tiêu. Không chỉ thế, thời điểm như năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều công nhân phải nghỉ việc, thu nhập giảm sút", chị Thủy cho biết.
Cũng theo chị Thủy, sau khi biết tin từ ngày 1/7 sẽ tăng lương tối thiểu vùng, chị cũng như nhiều công nhân khác rất phấn khởi.
"Trong cảnh "bão giá" như hiện nay, việc tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Dù số tiền lương tăng thêm không giải quyết được hết tất cả khó khăn của công nhân nhưng với chúng tôi đây là nguồn động lực lớn để làm việc", chị Thủy tâm sự.
Tương tự, chị Lê Thị Ngọc Anh đã có nhiều năm làm công nhân Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam, ở khu công nghiệp Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa. Tổng thu nhập hàng tháng của chị khoảng 7 triệu đồng.
Theo chị Ngọc Anh, hơn 2 năm qua, lương tối thiểu vùng không điều chỉnh, trong khi giá cả tiêu dùng, sinh hoạt lại leo thang khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Việc tăng lương lúc này rất ý nghĩa đối với những công nhân như chị.
"Chúng tôi ngóng tăng lương lâu rồi. Đến hôm 12/6, khi nghe tin Chính phủ có quyết định tăng lương tối thiểu mới "chính thức... mừng". Đây là một Quyết định kịp thời hướng về công nhân lao động", chị Ngọc Anh chia sẻ.
Doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ tăng lương
Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% tạo sự an tâm với người lao động. Việc điều chỉnh giúp người lao động cảm thấy mức lương của mình đảm bảo được đời sống.
Theo ông Quang, hiện tại, công ty có gần 12.000 công nhân. Khi có quyết định tăng lương, công ty đang khẩn trương xây dựng thang bảng lương để đến ngày 1/7 tới đây sẽ áp dụng mức lương mới cho người lao động.
Cũng theo ông Quang, việc tăng lương có ý nghĩa không chỉ đối với người lao động mà các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng được hưởng lợi.
"Nếu tăng lương thì người lao động sẽ gắn bó lâu dài và hứng khởi để làm việc. Điều này khiến năng suất lao động nâng cao, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ người lao động. Và ngược lại, nếu lương không tăng thì tâm lý người lao động sẽ trì trệ, làm cầm chừng, năng suất không cao. Lúc này doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi", ông Quang lý giải.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, để người lao động được hưởng lợi từ việc tăng lương một cách trọn vẹn thì quá trình thực hiện ở các doanh nghiệp phải đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật về việc tăng lương. Thứ hai, đơn vị giám sát của cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện quy định một cách nghiêm minh đối với các doanh nghiệp. Thứ ba là tổ chức công đoàn thương lượng tăng lương thành công với doanh nghiệp.
Ông Quang cũng cho rằng, tăng lương, nhà nước phải kiềm chế được lạm phát thì việc này mới có ý nghĩa với người lao động.
"Quyết định tăng lương thời điểm này rất tốt nhưng công nhân vẫn còn khó khăn. Nếu tăng lương mà giá cả các mặt hàng đều tăng thì ý nghĩa của việc tăng lương không được lớn. Như trước kia rau, củ, quả rẻ thì việc tăng lương giúp người hưởng lương có thêm một khoản chi tiêu, nhưng so với việc giá thực phẩm tăng, giá xăng tăng thì số tiền tăng lương này cũng khó bù đắp được", ông Quang chia sẻ thêm.
Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2022.