Đồng Tháp:
Đưa trà "nuôi" trong bông sen giữa đầm xuất ngoại, thu lãi khủng
(Dân trí) - Đúng lúc bông sen hé mở, khoe sắc tại đầm, anh Nguyễn Xuân Thắng ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho chè vào "nuôi" qua đêm trong hoa. Cách làm trà sen mới lạ mang lại khoản lãi hơn 700 triệu đồng/năm.
Tháng 4/2016, trong một chuyến công tác ở tỉnh Đồng Tháp, anh Nguyễn Xuân Thắng (quê gốc tỉnh Thái Bình) được dịp tìm hiểu cách người nông dân làm kinh tế từ cây sen.
Trái với suy nghĩ ban đầu về vùng đất mệnh danh "thủ phủ" sen hồng phải có những cánh đồng sen bạt ngàn, thế nhưng khi đến thực địa, anh Thắng nhận thấy diện tích trồng sen ít hơn nhiều so với cây lúa.
"Khi tìm hiểu nguyên nhân bà con không mặn mà với cây sen là do lợi nhuận bấp bênh, các doanh nghiệp thu mua sen chưa chế biến, tận dụng hết các sản phẩm từ sen, nhất là bông sen, rất ít người biết cách khai thác giá trị. Từ đó tôi quyết định suy nghĩ một sản phẩm từ bông sen giúp nhà nông làm giàu", anh Thắng chia sẻ.
Sau nhiều phương án, anh Thắng quyết định thực hiện ý tưởng ướp trà trong bông sen ngay tại cánh đồng. Theo anh, cách ướp trà này một số người miền Bắc đã làm nhưng phương pháp này còn khá mới mẻ ở miền Tây.
"Bông sen sử dụng là giống sen hồng đặc trưng của Tây Nam Bộ, kết hợp với trà Shan Tuyết, một loại trà đặc trưng ở Hà Giang, miền núi phía Bắc. Loại trà này ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, sạch 100%. Hai sản phẩm đặc trưng vùng miền kết hợp tạo thành sản phẩm trà sen vô cùng ấn tượng", anh Thắng tiết lộ.
Theo chủ cơ sở, bông sen được chọn để ướp trà phải chưa nở rộ, có chiều dài 14-15cm. Trước đó, nhân công sẽ dùng túi giấy bao bông sen lại để tránh côn trùng, khoảng 3-4 ngày sau, khi bông sen hé nở mới cho trà vào rồi bao lại. Trà được ướp "sống" trong bông sen bước vào độ nở trên đầm 2 ngày. Khi hương trà và sen hòa lẫn, anh Thắng mới cho thu hoạch bông hoa, đưa về nhà máy, tiếp tục các công đoạn chế biến sâu như sấy, đóng gói sản phẩm.
"Trên cánh đồng 28ha, mỗi tháng chúng tôi sản xuất khoảng 30.000 bông trà sen, mỗi bông trà sen sấy đến tay người tiêu dùng có giá 120.000 đồng, còn trà hoa sen ủ đông giá 40.000 đồng. Sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở TPHCM, xuất sang Đài Loan, Singapo", anh Thắng nói thêm.
Từ lúc tận dụng bông sen ướp trà, lợi nhuận của việc trồng sen tăng lên đáng kể. Trừ hết chi phí anh Thắng thu lãi từ 700 triệu đồng/năm.
Hiện anh đang liên kết với nhiều nông dân trồng sen trên địa bàn huyện Tháp Mười và các tỉnh Cần Thơ, An Giang để thu mua các sản phẩm từ sen như gương, lá, bông sen... Mỗi bông sen tươi được thu mua với giá 3.000 đồng, giúp nhà nông có thêm hoa lợi trên cùng diện tích sản xuất.
Dưới đây là một số hình ảnh về quy trình làm trà bông sen ướp trực tiếp trên cánh đồng: