1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đông Tháp:

Đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Năm 2020, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Đồng Tháp nỗ lực đưa hơn 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2021, Đồng Tháp quyết tâm đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, Đồng Tháp giải quyết việc làm cho hơn 34.300 lao động đạt 114,4% kế hoạch, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%; đưa hơn 1.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 110,4% so với kế hoạch.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề ở cả các cấp trình độ cho hơn 21.500, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 50%.

Đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 1

Năm 2020, Đồng Tháp giải quyết việc làm cho hơn 34.300 lao động

Chính nỗ lực đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài... đã giúp tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm 1,45%, hiện còn 1,28%. Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội đã được giải quyết cơ bản v.v..

Năm 2021, ngành lao động - thương binh và xã hội tập trung phấn đấu thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, ưu tiên khu vực biên giới để có chính sách hỗ trợ phù hợp; đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc hỗ trợ về thông tin thị trường lao động.

Đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 2

Năm 2021, Đồng Tháp đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Trong đó,  phấn đấu giải quyết việc làm cho 30.000 lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3%; đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển mới đào tạo nghề 21.500 chỉ tiêu; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,0%, còn khoảng 5,49% (theo chuẩn mới), hạn chế tái nghèo và nghèo mới phát sinh.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu toàn ngành phải tập trung nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó, cần phối hợp ngành giáo dục và đào tạo, có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp học sinh; tiếp tục tham mưu, đề xuất thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư; đề xuất giải pháp tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người lao động sau khi về nước; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhất là các hộ dân vùng biên giới, vùng khó khăn được tiếp cận và vay vốn chính sách để phát triển sản xuất.