Dự thảo BHXH tự nguyện: Hỗ trợ lao động tối đa 30 % mức đóng

(Dân trí) - “Hỗ trợ tối đa bằng 30% mức đóng cho lao động hộ nghèo, cận nghèo khi tham bảo hiểm xã hội tự nguyện và được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn…”


Tăng hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp Nhà nước giảm nhẹ gánh nặng chi trả trợ cấp người già.

Tăng hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp Nhà nước giảm nhẹ gánh nặng chi trả trợ cấp người già.

Đây là một nội dung trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ thông qua vào cuối năm 2015.

Quy định thời gian đóng - hưởng

Về thời gian đóng BHXH tự nguyện, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Điều 71 của Luật BHXH.

Theo đó, thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Về điều kiện hưởng lương hưu: Đối với người có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH (có áp dụng giảm tuổi hưu, hưu do suy giảm khả năng lao động...).

Riêng đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, đủ 55 tuổi mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ 20 năm đóng thì cũng được hưởng lương hưu.

Qua 8 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện 8 năm, số người tham gia còn thấp. Tính đến hết năm 2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người - chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

Về mức lương hưu hằng tháng: Đối với người có 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, trừ đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội và điểm c khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định, thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.

Về xác định mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục sử dụng công thức như quy định tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về thời điểm hưởng lương hưu theo chế độ BHXH tự nguyện, Dự thảo Nghị định quy định thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo Nghị định quy định người tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 77 của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.

Hai phương án hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện

Phương án 1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:

Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên;

Bằng 20% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực hệ số dưới 0,7;

Bằng 10% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ khác nhau theo quy định tại khoản này thì được hưởng hỗ trợ ở mức cao nhất.

Thời gian hỗ trợ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018 và thời gian hỗ trợ 10 năm cho mỗi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phương án 2. Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức hỗ trợ: Tối đa bằng 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Mức hỗ trợ cụ thể và thời điểm hỗ trợ, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Chính sách thu hút người tham gia BHXH tự nguyện là một cách để Nhà nước giảm nhẹ gánh nặng chi trả trợ cấp đối với người cao tuổi trong tương lai.

Dự thảo đưa ra ví dụ lý giải điều này: “Giả định một người được Nhà nước hỗ trợ 30% trên mức đóng tối thiểu cố định trong thời gian 20 năm, số tiền hỗ trợ là khoảng 10,3 triệu đồng. Trong khi nếu chi trả trợ cấp cho người cao tuổi, gồm trợ cấp người cao tuổi, chi mua thẻ bảo hiểm y tế, chi trợ cấp mai táng trong thời gian 10 năm (bằng kỳ vọng sống của người sau tuổi 80), số tiền sẽ là 31,1 triệu đồng”.

Hoàng Mạnh