Dự luật ATVSLĐ: Cần làm rõ vai trò của giới chủ sử dụng lao động

Dự luật cần làm rõ vai trò của giới chủ sử dụng là một thành phần trong mối quan hệ điều chỉnh, vai trò trong Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh, trong công tác ATVSLĐ tại cơ sở. Một phần từ nguồn kinh phí kết dư từ ngân sách An toàn lao động, Bệnh nghề nghiệp cần được hỗ trợ doanh nghiệp trong đảm bảo ATVLĐ…

Công tác ATVSLĐ liên quan chặt chẽ tới năng suất lao động
Công tác ATVSLĐ liên quan chặt chẽ tới năng suất lao động

Ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (thuộc VCCI) - góp ý tại Hội thảo tham vấn ý kiến Người sử dụng lao động về Dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội.

Chỉ ra điểm chưa hợp lý trong dự thảo, ông Phùng Quang Huy cho rằng cần tách nội dung quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động thành một điều riêng biệt.

“Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là một bên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Điều này phù hợp với định hướng kinh tế thị trường, xu thế hội nhập và thể hiện trách nhiệm rõ ràng của người sử dụng lao động” – ông Phùng Quang Huy cho biết.

Đồng thời, vị đại diện VCCI cũng đề nghị bổ sung của đại diện người sử dụng lao động vào Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh. Quy định này phù hợp với tiêu chí được đề ra trong dự thảo khi nhắc tên các đối tượng áp dụng của dự luật.

Liên quan tới định nghĩa tai nạn lao động, ông Dương Văn Cẩm - Ban Chính sách Lao động Tiền lương (Hiệp hội Dệt May VN) - cho rằng, khái niệm 11 trong mục giải thích từ ngữ về “tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động” chưa rõ nghĩa và chưa bao quát được tai nạn giao thông trên đường đi, về với thời gian và địa điểm hợp lý cũng được coi là tai nạn lao động.

Ông Dương Văn Cẩm cũng đề xuất nên nghiên cứu tỉ lệ đóng góp của người sử dụng lao động vào Quỹ an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, người sử dụng lao động đóng BHXH tính trên cơ sở tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

“Như vậy tỉ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động - trong đó có đóng cho quỹ Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là tỉ lệ khá cao - lại được trích trên nền tổng thu nhập của NLĐ sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Dương Văn Cẩm cho biết.

Theo ý kiến đại diện Hiệp hội da, giầy, túi xách Việt Nam, Dự thảo cần bổ sung những quy định đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với lao động nữ; quy định các trang thiết bị và điều kiện tối thiểu về bảo hộ lao động và vệ sinh tại nơi làm việc trong các ngành sản xuất có nhiều lao động nữ.

Đồng thời, Hiệp hội da, giầy, túi xách đề nghị xem xét giảm bớt các chi phí và phụ cấp tai nạn lao động từ phía người sử dụng lao động và tùy theo mức độ nặng nhẹ. Vì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về đơn vị Bảo hiểm tai nạn lao động và Bảo hiểm y tế. Trong khi người sử dụng lao động đã phải mua bảo hiểm cho người lao động, bị thiệt hại do công việc đình trệ, phải tiếp tục thu xếp việc làm phù hợp cho người lao động bị tai nạn.

Theo ông Tạ Văn Ngọ, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, việc thanh tra ATVSLĐ cần có quy định rõ ràng hơn về cơ chế phối hợp giũa các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ với UBND các cấp nhằm giảm tối thiểu các Đoàn thanh tra và tránh chồng chéo.

Trong quan hệ cho thuê lại lao động, ông Tạ Văn Ngọ đề nghị nếu không trái hoặc vi phạm với các công ước đã ký, việc xem xét trách nhiệm của bên thuê lại lao động với người lao động khi có tai nạn lao động.

Vì bên cho thuê lại lao động đã ký hợp đồng cho thuê lại lao động với bên thuê lại. Trong trường hợp để xảy ra tai nạn, bên thuê lại phải chịu trách nhiệm chứ không phải bên cho thuê lại.

Điều đó nhằm đảm bảo tính hiệu lực, giá trị của Hợp đồng, đảm bảo sự công bằng trong phân định quyền và trách nhiệm giữa các bên và cũng là để nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động.

Hoàng Mạnh