Dự kiến chi 15 tỷ đồng tổ chức Festival nghề muối Việt Nam lần đầu tiên

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Festival nghề Muối Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu, với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát triển, nâng cao giá trị nghề muối.

Ngày 10/2, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025.

Theo kế hoạch, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 "Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người" với chủ đề "Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam", diễn ra từ ngày 6 đến 8/3.

Dự kiến chi 15 tỷ đồng tổ chức Festival nghề muối Việt Nam lần đầu tiên - 1

Diêm dân làm muối ở Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Festival có hơn 10 hoạt động chính tại TP Bạc Liêu và huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) như: Chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối; lễ khai mạc; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu muối, gia vị; đờn ca tài tử; trưng bày các mô hình, hiện vật, công nghệ chế biến muối; một số hội thảo về du lịch muối, chất lượng muối, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất muối; hội nghị xúc tiến đầu tư; hội chợ kinh tế hợp tác;…

"Kinh phí tổ chức sự kiện này dự kiến khoảng 15 tỷ đồng từ xã hội hóa. Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỷ đồng và UBND tỉnh Bạc Liêu 10 tỷ đồng", theo ban tổ chức.

Nghề làm muối ở Việt Nam là một nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa, đặc biệt tại các tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu,…

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có sản lượng muối lớn của cả nước, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt cho Bạc Liêu. Cuối tháng 9/2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nghề làm muối truyền thống trải qua những thăng trầm, cực khổ, gian truân nhưng giá trị để lại thời gian qua còn thấp. Do đó, Bạc Liêu cần phải làm sao để đời sống diêm dân khá lên, sống được từ muối, giữ được nghề cha ông để lại.

"Muối mặn nhưng sau khi tổ chức festival sẽ có vị ngọt của tình đất, tình người Bạc liêu, để lại ấn tượng sâu sắc đến du khách trong và ngoài nước", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng.