Đột tử - nỗi kinh hoàng của người lao động ở Malaysia

Chỉ trong một tuần lễ cuối năm 2007 đã có ba người lao động Việt Nam tại Malaysia đột tử.

Đã có ít nhất 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia trong năm vừa qua, con số này lớn hơn rất nhiều so với các thị trường lao động khác. Đã có nhiều điều bất thường xung quanh những cái chết này.

 

Tháng 8/2006, anh Hạ Hồ Nam, 38 tuổi, ở xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động-Thương mại và Du lịch (gọi tắt là TTLC), thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam đi lao động có thời hạn tại Malaysia. Công việc của anh Nam là vận hành máy cơ khí sản xuất găng tay cao su cho Công ty Strategic tại bang Selangor. Năm tháng sau, gia đình nhận được tin báo: “Anh Nam đột tử tại khu ký túc xá”.

 

Gia đình anh Nam sốc nặng bởi trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh. Bạn bè ở cùng phòng Nam cho biết: Anh Nam đi làm ca đêm, sau đó trở về về ký túc xá vào 8 giờ sáng 22/1/2007. Hôm sau, anh ăn sáng bình thường và gọi điện thoại cho vợ, sau đó kêu mệt và đi nằm. Đến 13 giờ chiều, một người bạn cùng phòng phát hiện anh Nam đã chết. Ba ngày sau, anh Nam được đưa về nước.

 

Gia đình càng rối bời thêm khi các giấy tờ thể hiện anh Hạ Hồ Nam chết do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Giấy chứng tử có công chứng của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đề ngày 26/1 ghi nguyên nhân chết là bệnh phổi. Tiếp đó, đến ngày 8-3, Đại sứ quán Việt Nam có giấy chứng tử khác ghi nguyên nhân chết là bệnh tụy. Giấy xác nhận của chuyên gia y tế quận Sepang, bang Selangor, Malaysia lại ghi về nguyên nhân chết: xuất huyết viêm tuyến tụy cấp. Giấy báo tử của Cục Đăng ký khai sinh, khai tử tại Malaysia (do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia dịch) ghi lý do chết: xuất huyết lá lách cấp tính.

 

Những câu hỏi chưa có lời đáp

 

Gia đình nhiều lần có kiến nghị về các văn bản mâu thuẫn nói trên, đến ngày 5/4/2007, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia mới có văn bản cho rằng đã có sự không chuẩn xác trong dịch thuật. Đại sứ quán tạ lỗi gia đình và xin được dịch lại chuẩn xác về nguyên nhân chết là do: xuất huyết viêm tuyến tụy cấp.

 

Tuy vậy, gia đình anh Nam vẫn chưa thỏa mãn với lời giải thích này. Anh Hạ Huy Hùng - anh ruột của Nam cho biết gia đình đã tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành về bệnh học thì xuất huyết viêm tuyến tụy cấp cho thấy chỉ thường xảy ra khi có thay đổi rất lớn về điều kiện sinh hoạt, ăn uống hoặc có tiền sử uống rượu bia hay bị nhiễm độc. Về triệu chứng, người bệnh sẽ đau đớn vật vã và phải đến hai, ba ngày mới chết nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Gần một năm trôi qua, gia đình anh Nam vẫn kiên trì gõ cửa Công ty TTLC và Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của anh Nam nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì thế gia đình đã gửi thư trực tiếp tới Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia.

 

Thư viết: “Theo pháp luật của Malaysia thì khi cảnh sát nhận được tin báo về một người nước ngoài chết không rõ nguyên nhân thì thủ tục và những việc làm của các cơ quan liên quan quy định như thế nào? Có khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và những người trực tiếp ăn ở cùng nạn nhân không? Có giải phẫu tử thi và kết quả giải phẫu chi tiết có thông báo cho thân nhân? Hồ sơ người chết bao gồm những gì? Một người Việt Nam ký hợp đồng lao động có thời hạn tại Malaysia đang khỏe mạnh bỗng chết đột ngột thì thân nhân họ được hưởng quyền lợi gì, giải quyết thủ tục này ở đâu?”.

 

Nhưng đến nay những câu hỏi này vẫn còn để ngỏ.

 

Liên tục đột tử

 

Trong tổng số trên 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia trong năm vừa qua mà PV Báo Pháp Luật TP.HCM thống kê được, có một phần ba trong đó có nguyên nhân được gọi bằng một cái tên rất chung: đột tử.

 

Tháng 3/2007, anh Mai Văn Sơn, 28 tuổi, quê ở xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An chết trong tình huống rất khó hiểu. Sau khi đi làm về, anh Sơn vẫn ăn uống, sinh hoạt với bạn bè bình thường, khoảng 11 giờ đêm thì đi ngủ. Sáng sớm, người cùng phòng phát hiện anh Sơn tím tái toàn thân, khó thở, đưa đến bệnh viện thì chết. Nguyên nhân cái chết của anh được báo về cho gia đình là đột tử. Điều lạ lùng là anh Sơn chính là người ăn, ở cùng phòng với anh Hạ Hồ Nam.

 

Ông Mai Văn Cường - cha của anh Sơn cho biết: “Nó chết khi đứa con gái chỉ mới được hai tháng ba ngày. Trước đó vài hôm, nó còn gọi điện thoại cho vợ hẹn đưa ra quán Internet để được nhìn mặt con. Vậy mà...”.

 

Ông Cường nghi ngại: “ Sơn rất khỏe mạnh, trước khi đi nó khám sức khỏe nhiều lần, kết quả rất tốt. Có lẽ nó chết do làm việc trong môi trường độc hại”.

 

Được biết, Sơn làm việc tại một nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su, trong đó có bóng bay - đồ chơi cho trẻ em. Nhiều lần gọi điện thoại về nhà Sơn kể thường xuyên phải ngâm nửa mình trong hầm hóa chất để pha chế trộn màu bóng bay.

 

Liên tiếp trong chỉ một tuần lễ, từ 21 đến 27/12/2007, đã có ba trường hợp lao động Việt Nam bị đột tử tại Malaysia được đưa về sân bay Nội Bài. Đó là anh Nguyễn Đình Hùng, 26 tuổi, ở Thanh Hóa; anh Vi Văn Nhật, 21 tuổi, ở Lạng Sơn; anh Nguyễn Đức Thiện ở Hải Dương. Anh Thiện làm việc cho một công ty chuyên về trang trí nội thất nhà ở công cộng tại bang Subang 2. Theo anh Phạm Văn Báu - bạn cùng phòng anh Thiện, hiện đang ở Malaysia: “Tối 12/11, chúng tôi xem tivi xong, chuẩn bị đi ngủ, Thiện nói muốn uống thêm một chén rượu để ngủ cho ngon. Nhưng khi đang rót rượu ra ly thì tự nhiên anh ấy ngã lăn ra nền nhà, nấc mấy cái rồi máu mũi phọt ra. Tôi hô hoán kêu anh em công nhân đưa đi bệnh viện cách đó khoảng 10 km thì Thiện đã chết”.

 

Trao đổi với PV, một lao động Việt Nam đang làm việc tại bang Subang 2 cho biết từ năm 2002 đến nay, anh đã chứng kiến không dưới 10 trường hợp người lao động Việt Nam đột tử.

 

Nhiều nhân chứng tại Malaysia và gia đình các nạn nhân khẳng định những người bị chết đều khỏe mạnh, trước đó không có biểu hiện bệnh tật. Hơn nữa, trước khi đi xuất khẩu lao động họ đã được cơ quan y tế kiểm tra rất kỹ lưỡng về sức khỏe. Hầu hết các lao động Việt Nam đi Malaysia cũng truyền cho nhau “kinh nghiệm” phòng chống đột tử, như không uống rượu chè nhiều, ban đêm nằm ngủ không được cởi trần... Các công ty môi giới cũng quán triệt những điều này với người lao động trước khi sang Malaysia.

 

Theo Nguyễn Thái Sơn
Pháp luật TPHCM