Đội sóng hái "lộc biển" trên đá nham thạch

(Dân trí) - Bắt đầu từ 4h sáng, người dân ven biển huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lại "đội sóng" men theo những vỉa đá nham thạch hái rau mứt. Loại rau được xem là "lộc biển" có thể mang về cho người dân từ 300 - 400 ngàn đồng mỗi ngày.

Đội sóng hái "lộc biển" trên đá nham thạch

Rau mứt là loại rong biển mọc trên đá vào mỗi mùa biển động. Tầm đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, rau mứt bắt đầu sinh sôi dày đặc trên những vỉa đá nham thạch ven biển huyện Bình Sơn. Đó cũng là lúc hàng trăm người dân khắp nơi tập trung về đây hái "lộc biển".

Từ sáng tinh mơ, khi thủy triều rút xuống là thời điểm mọi người kéo nhau ra biển thu hoạch rau mứt.

Vào đầu tháng 11 Âm lịch, người dân ven biển Quảng Ngãi lại đội sóng hái rau mứt trên đá nham thạch
Vào đầu tháng 11 Âm lịch, người dân ven biển Quảng Ngãi lại "đội sóng" hái rau mứt trên đá nham thạch

Ra biển từ lúc mặt trời chưa lên đến hơn 9h sáng, ông Bùi Tiến Sơn (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) thu hoạch được gần 3 kg rau mứt tươi.

Bằng vốn kinh nghiệm của một người gắn bó cả cuộc đời với biển cả, ông Sơn cho biết rau mứt chỉ mọc nhiều trên loại đá nham thạch. Khi tiết trời se lạnh và có mưa là lúc rau mứt nảy mầm trên đá.

"Thời tiết phải có mưa và lạnh thì rau mứt mới mọc nhiều. Mới đầu rau có màu nâu nhưng sau 1 tuần thì bắt đầu già và chuyển sang màu đen. Khi rau đã già mà không hái sẽ bị sóng đánh bật gốc", ông Sơn chia sẻ.

Rau mứt mọc bám vào đá vì vậy chỉ cần dùng tay để hái, nếu rau mứt mọc dày có thể dùng miếng nhựa mỏng để cào.

Rau mứt mọc dày đặc ở những vị trí nguy hiểm
Rau mứt mọc dày đặc ở những vị trí nguy hiểm

Để hái được rau mứt trong mùa biển động những người như ông Sơn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Rau mọc nhiều nhất ở những vỉa đá sát mép nước, đó cũng là nơi có những con sóng lớn. Phần thì đá nham thạch đen bóng, trơn trượt nên chỉ cần sơ ý là trượt chân hoặc bị sóng đánh rơi xuống biển.

"Làm nghề này cực lại nguy hiểm. Muốn hái được nhiều thì phải ra sát mép nước, ra đó mà không để ý là rơi xuống biển ngay. Năm trước chú bị sóng đánh rơi xuống biển may là bơi vào được", ông Sơn nói.

Đội sóng hái "lộc biển" trên đá nham thạch - 3

Để có được gần 3 kg rau mứt sau 3 giờ đồng hồ cần mẫn, ông Sơn phải chấp nhận nguy hiểm leo lên những vỉa đá xa nhất. Tuy vậy, với giá bán 120 ngàn đồng/kg thì chỉ trong buổi sáng loại "lộc biển" này đã mang về cho ông Sơn gần 400 ngàn đồng.

Cũng ra biển từ sớm thế nhưng chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) không thu hoạch được nhiều như ông Sơn.

Theo chị Thủy, phần lớn phụ nữ chỉ hái rau cách xa mép sóng để tránh nguy hiểm. Vì thế lượng rau phụ nữ hái được chỉ bằng một nửa cánh đàn ông.

"Bình thường hái được 1,5 kg nhưng có hôm biển êm sóng cũng kiếm được 3 - 4 kg. Tính ra chỉ trong buổi sáng là kiếm đủ thu nhập để chi tiêu trong ngày", chị Thủy chia sẻ.

Nghề hái rau mứt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì đá trơn trượt, sóng lớn khiến người hái rau có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào
Nghề hái rau mứt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì đá trơn trượt, sóng lớn khiến người hái rau có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào
Đội sóng hái "lộc biển" trên đá nham thạch - 5

Nếu không muốn bán rau tươi có thể phơi khô và đợi đến gần Tết bán sẽ có giá cao hơn. Trung bình từ 10 - 11 kg rau mứt tươi sẽ được 1 kg rau khô, vào thời điểm giáp Tết mỗi kg rau khô có giá lên đến 2 triệu đồng.

"Làm nghề đánh bắt gần bờ mỗi năm phải gác lưới tầm 3 tháng vì biển động, may là mùa này có rau mứt bù vào. Mong sao gần Tết thời tiết thuận lợi để rau mứt mọc nhiều cho người dân có tiền sắm sửa đón Tết", chị Thủy hy vọng.

Mùa biển động, rau mứt giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống
Mùa biển động, rau mứt giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống

Theo chị Thủy, rau mứt rất sạch lại lạ miệng nên được nhiều người ưa chuộng. Rau mứt có thể chế biến thành nhiều món nhưng phần lớn được dùng để nấu canh bồi bổ sức khỏe.

Quốc Triều