Quảng Ngãi: Dân "bạo tay" chi trăm triệu đồng xây nhà lầu nuôi gia súc

(Dân trí) - Chịu thiệt hại nặng do bão lũ, người dân huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà lầu vững chãi để nuôi gia súc. Mô hình này đang mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi vùng rốn lũ.

Huyện Nghĩa Hành là vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Ngãi, vì vậy người dân sống dọc các con sông lớn thường chịu thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra. Tình trạng heo, bò bị nước lũ cuốn trôi khiến người chăn nuôi trắng tay vẫn thường diễn ra.

"Trong cái khó ló cái khôn", nhiều năm qua người dân huyện Nghĩa Hành đã nảy sinh ý tưởng xây nhà lầu để nuôi heo, bò tránh lũ. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 70 hộ dân xây dựng chuồng trại cao tầng để chăn nuôi. Trong đó, xã Hành Phước là nơi người dân đi tiên phong cũng như có số lượng nhà lầu cho heo, bò nhiều nhất huyện.

Quảng Ngãi: Dân "bạo tay" chi trăm triệu đồng xây nhà lầu nuôi gia súc - 1

Nhà lầu chăn nuôi gia súc của gia đình bà Phượng.

Nhà lầu chăn nuôi gia súc của gia đình bà Phượng.

Bà Đỗ Thị Kim Phượng (xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), nhớ lại: trong 2 đợt lũ lịch sử vào năm 2009 và 2013, đàn heo hàng trăm con chuẩn bị xuất chuồng của gia đình bị nước lũ cuốn trôi. Riêng đợt lũ năm 2013 đã cuốn trôi 70 con heo thịt gây thiệt hại trên 200 triệu đồng.

Sống bằng nghề chăn nuôi ở vùng lũ, nếu bỏ nghề cũng chẳng biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Trong khi đó nếu tiếp tục tái đàn để chăn nuôi, bà Phượng lo sợ sẽ tiếp tục trắng tay sau mỗi mùa bão lũ. Thế nên bà Phượng liền nảy sinh ý tưởng làm nhà tránh lũ cho gia súc.

"Mới đầu nghĩ làm nhà để chăn nuôi trên cao tốn kém quá, nhưng suy nghĩ một thời gian lại thấy có lợi nên gia đình quyết định vay vốn xây nhà trên cao để nuôi heo với quy mô lớn", bà Phượng cho biết.

Mới đầu, gia đình bà Phượng vay 200 triệu đồng xây căn nhà lầu có diện tích 500 m2 để nuôi heo. Ngôi nhà do gia đình tự thiết kế với một trệt, một lầu có chiều cao hơn 5m. Phần lầu được ngăn thành 15 ô để nuôi heo, phía bên dưới nuôi thêm 8 con bò.

Vừa hoàn thành nhà tránh lũ cho heo, bò thì một đợt lũ lớn tràn về. Gia đình bà Phượng liền đưa đàn bò 8 con lên tầng lầu tránh lũ cùng đàn heo trên 100 con. Vì vậy, trong khi heo, bò của người dân trong xóm bị cuốn trôi, đàn gia súc nhà bà Phượng vẫn "bình an vô sự".

Thấy được hiệu quả từ việc xây nhà lầu chăn nuôi, bắt đầu từ năm 2015 đến nay, bà Phượng mạnh dạn đầu tư thêm 200 triệu đồng tăng dần diện tích và tăng thêm chiều cao khu chăn nuôi lên 10 m. Hiện tại, khu nhà lầu cho heo, bò của bà Phượng có diện tích 1.000 m2 với 48 chuồng cùng đàn heo trên 300 con.

“Nhận thấy lũ càng ngày càng lớn nên gia đình tôi xây nhà cho heo, bò cao hơn. Nếu nước ngập chuồng thấp thì đưa lên chuồng cao nên mấy năm qua chẳng mất mát gì. Giờ thì có mưa lũ gia đình cũng chẳng lo gì cả. Mỗi khi có bão lũ nhiều nhà quanh đây còn sang gởi nhờ heo, bò”, bà Phượng nói.

Thấy mô hình xây nhà lầu cho heo, bò tránh lũ đạt hiệu quả nên người dân huyện Nghĩa Hành từng bước làm theo.


Những ngôi nhà lầu chăn nuôi gia súc được xây dựng vững chãi bằng bêtông với kinh phí đầu tư từ 50 - 300 triệu đồng

Những ngôi nhà lầu chăn nuôi gia súc được xây dựng vững chãi bằng bêtông với kinh phí đầu tư từ 50 - 300 triệu đồng

Từng bị thiệt hại nặng do lũ cuốn trôi đàn heo, ông Nguyễn Văn Chính (thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước) cũng quyết tâm vay 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng nuôi trên cao.

“Thấy mô hình nuôi heo, bò trên cao hiệu quả nên nhà tôi cũng làm theo. Vì mỗi đợt chỉ nuôi từ 20 - 30 con heo nên tôi xây nhỏ. Mới đầu cũng nghĩ không có lợi nhưng làm rồi mới thấy hiệu quả vì đầu tư lúc đầu khá tốn kém nhưng chỉ cần đầu tư một lần là nuôi được nhiều năm", ông Chính chia sẻ.

Cũng theo ông Chính, ngoài việc phòng tránh lũ cho đàn gia súc, mô hình chăn nuôi trên cao còn phòng chống dịch bệnh khá hiệu quả. Chuồng trại được xây trên cao, khô thoáng rộng rãi nên đàn gia súc hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây dịch bệnh sau mỗi đợt bão, lũ.

Không chỉ những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đầu tư xây dựng chuồng trại trên cao cho gia súc
Không chỉ những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đầu tư xây dựng chuồng trại trên cao cho gia súc

Theo ông Nguyễn Công Thành - Chủ tịch UBND xã Hành Phước, mô hình chăn nuôi gia súc trên lầu cao tránh lũ đã phát huy được hiệu quả tích cực. Nhiều hộ chăn nuôi có quy mô lớn của địa phương không còn nỗi lo trắng tay sau mỗi mùa mưa bão. Vì vậy, chính quyền địa phương vùng rốn lũ Hành Phức đang tiếp tục vận động người dân nhân rộng.

“Chăn nuôi là nguồn thu chính của bà con nông dân của xã, vì vậy nếu đàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi sẽ khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc phát triển mô hình nhà tránh lũ trong chăn nuôi cần phải nhân rộng để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân vùng lũ", ông Phước nói.

Quốc Triều