Đội sơ cấp cứu tai nạn thiện nguyện Bình Xuyên

Đội Sơ cấp cứu TNGT huyện Bình Xuyên tình nguyện đứng ra cứu giúp những người bị tai nạn giao thông gần chục năm nay.

Không lương, không phụ cấp, các thành viên Đội Sơ cấp cứu TNGT huyện Bình Xuyên tình nguyện đứng ra cứu giúp những người bị TNGT gần chục năm nay.

“Nếu người bị nạn là bố…”

Gần chục năm nay, hình ảnh những lái “xe ôm”, xe taxi mặc áo in logo chữ thập đỏ và chiếc túi đựng dụng cụ sơ cứu bên mình đã trở nên thân thuộc với người dân trên QL2, đoạn qua thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Họ là những thành viên của Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên.

Anh Nguyễn Hữu Đào, Đội trưởng Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên kể, các anh là những “xe ôm”, taxi hoạt động ở khu vực ngã tư QL2 - thị trấn Hương Canh. Hàng ngày, đứng đợi khách, trực tiếp chứng kiến nhiều vụ TNGT thảm khốc , mục sở thị những nạn nhân đau đớn, quằn quại dưới mặt đường chờ mãi vẫn chưa được đưa đi cấp cứu, họ quyết định tự nguyện đưa nạn nhân TNGT đi cấp cứu.


Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên tiến hành sơ cấp cứu cho nạn nhân trong một vụ TNGT.

Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên tiến hành sơ cấp cứu cho nạn nhân trong một vụ TNGT.

“Một buổi chiều đầu tháng 10/2007, anh Trần Bá Kiên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Xuyên gặp em, đưa ra ý tưởng thành lập một đội chuyên sơ cấp cứu nạn nhân TNGT, thay vì hoạt động đơn lẻ như hiện tại. Thấy ý tưởng góp phần nâng cao hiệu quả cứu người TNGT, tất cả anh em “xe ôm” ở đây đều ủng hộ”, anh Đào kể.

Thời điểm mới thành lập, thành viên của Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên rất đông. Có lúc số người đăng kí tham gia lên đến 30 - 40 người. Nhưng chỉ sau một thời gian, con số đó cứ rơi rụng dần và cuối cùng, chỉ còn 12 thành viên là những người nhiệt tình nhất, quyết tâm nhất và chấp nhận hi sinh nhất.

“Những người hành nghề “xe ôm”, taxi đều nghèo, kiếm sống bằng việc chở khách. Nay chở nạn nhân TNGT, vừa mất thời gian, vừa hư hại xe, lại chả có tiền. Thế nên khi chúng tôi làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này, vợ con ban đầu phản đối lắm. Tôi cũng vậy, các con tôi còn lo lắng việc bố giúp người bị TNGT dễ bị hiểu lầm, tiếp xúc với người bị thương máu me khắp người thì dễ có nguy cơ lây bệnh tật. Tôi chỉ thuyết phục các con thế này: “Nếu như một lúc nào đó, người bị tai nạn nằm dưới đường kia là bố thì các con nghĩ sao? Nếu ai cũng lo lắng, cũng trốn tránh như vậy thì những người không may mắn bị TNGT biết nhờ cậy vào ai?”. Dần dần, vợ con tôi cũng hiểu và ủng hộ”, anh Đào nói.

Chuyên nghiệp, tận tâm

Thời điểm chưa thành lập, Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên hoạt động rời rạc và tự phát, việc sơ cấp cứu các nạn nhân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân. Sau khi thành lập Đội, được sự giúp đỡ và định hướng của Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Xuyên và của tỉnh Vĩnh Phúc, các thành viên trong đội được tham gia các lớp tập huấn kĩ năng sơ, cấp cứu TNGT, được trang bị dụng cụ sơ cấp cứu.

Ngoài QL2, đoạn gần ngã tư Hương Canh cũng được thiết kế một tấm biển báo về sự có mặt của Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên kèm theo số điện thoại để người đi đường gọi tới khi cần thiết.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản làm sao đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt. Nhưng về sau mới hiểu rằng, kiến thức về sơ, cấp cứu là vô cùng quan trọng. Có những chấn thương bắt buộc phải để cố định nạn nhân, sơ cứu xong mới được đưa đi cấp cứu. Nếu không hiểu về điều đó, nhiều khi mình ra tay cứu họ mà thành ra hại họ. Bây giờ thì tất cả 12 thành viên trong đội, ai cũng thành thạo và nắm rõ như lòng bàn tay các kiến thức về sơ, cấp cứu rồi”, anh Đào cho biết.

Mặc dù làm công tác thiện nguyện nhưng không phải lúc nào những thành viên của Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên cũng nhận được sự trân trọng của các nạn nhân TNGT.

“Có lần, hai thanh niên đi xe máy gặp tai nạn ngay trong thị trấn Hương Canh. Lúc tôi ra chỉ còn mỗi một người bị thương nặng đang nằm đó. Tôi gọi người dân xung quanh ra làm chứng, kiểm kê tài sản của anh ta rồi mới đưa anh ta vào bệnh viện. Thế nhưng, khi vừa tỉnh dậy, anh ta bù lu bù loa là mất ví tiền trong đó có 20 triệu đồng rồi đổ luôn cho tôi, đòi đánh tôi. Một lúc sau, người đi cùng xe với nạn nhân xuất hiện, anh ta đưa ra chiếc ví của bạn mình, bên trong số tiền 20 triệu đồng vẫn còn nguyên vẹn. Hóa ra lúc gặp tai nạn, cậu bạn vội chạy về nhà gọi người ra giúp, sợ mất tài sản của bạn nên cầm theo ví tiền luôn”, anh Đào nói.

Đến nay, Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên vẫn duy trì được 12 thành viên, trong đó 5 người đã “lên đời” chạy taxi, 3 người chạy ô tô tải còn lại là lái “xe ôm”, nhờ đó công tác vận chuyển các nạn nhân được dễ dàng và yên tâm hơn. “Trước kia chở bằng xe máy phải có người đằng sau giữ, người bị nặng quá, chấn thương nhiều chỗ thì không thể vận chuyển được. Giờ có thêm ô tô sẽ có thêm sự lựa chọn”, anh Đào phấn khởi.

"Từ ngày Đội Sơ cấp cứu TNGT Bình Xuyên được thành lập và đi vào hoạt động đã có rất nhiều nạn nhân trong các vụ TNGT được đưa đi cấp cứu kịp thời; Lực lượng chức năng địa phương cũng được hỗ trợ công tác xử lý TNGT; Tài sản của người bị nạn được đảm bảo. Đây là hoạt động từ thiện mang tính xã hội rất cao cần được nhân rộng hơn nữa tại nhiều địa phương" -Ông Bùi Ngọc Đạo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Xuyên

Theo Báo Giao thông