"Cổ tích" của người đàn ông không chân
Mười năm trước, ông Mị bị tại nạn giao thông phải cưa cả hai chân lên quá đầu gối. Nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, ông vẫn vui vẻ sống và làm việc như mọi người.
Số phận nghiệt ngã
Ông Mị tên đầy đủ là Nguyễn Văn Mị, (SN 1961) ở Phường Hưng Bình, thành phố Vinh (Nghệ An). Trước đây, ông là công nhân công ty xây lắp điện, vợ ông cũng là công nhân. Đồng lương công nhân tuy ít ỏi nhưng bù lại vợ chồng yêu thương nhau; hai con học giỏi,chăm ngoan. Ngôi nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Khi tổ ấm gia đình đang yên ấm thì cũng là lúc tai hoạ ập đến với ông. Ấy là vào một chiều năm 2002. Khoảng hơn 3 giờ chiều, xong việc, ông Mị lấy xe chạy ra đường Quang Trung để về nhà. Chiếc xe gắn máy đang lưu thông bình thường thì bất ngờ bị một xe xích lô chở gỗ đụng phải. Ông Mị ngã lăn ra đường, đúng lúc này một chiếc xe tải vừa lao đến, cán qua đôi chân.
Tỉnh dậy, ông Mị mới biết mình đang nằm trong bệnh viện. Ngó xuống thì đôi chân của mình đã bị cưa lên quá đầu gối. Như người bị rớt xuống vực thẳm, mọi thứ quay cuồng xung quanh ông. Và, những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt dầy dạn mưa nắng của người công nhân.
“Lúc đó tâm trí tôi rất hoảng loạn. Những câu hỏi trong đầu bật lên liên tục: chân mất, rồi sẽ đi lại, sinh hoạt và làm việc như thế nào. Ai kiếm tiền để nuôi vợ, nuôi con ăn học. Tôi không trả lời được mà chỉ biết ngậm ngùi khóc”, ông Mị chia sẻ.
Thế rồi, bằng sự động viên của người thân, gia đình và vợ con, ông Mị cũng đã lấy lại được tinh thần. Sau ba tháng điều trị tích cực tại bệnh viện, ông được các ông sỹ cho về nhà. Sau đó điều trị, luyện tập ở nhà thêm một năm vết mổ trên đôi chân ông Mị mới lành hẳn.
“Còn đôi tay còn làm được”
Mất hẳn hai đôi chân, không thể đi làm trở lại, ông Mị tự lo liệu hết những công việc trong gia đình để phụ giúp vợ con. Từ đi chợ, nấu ăn đến giặt đồ, lau nhà đều một tay ông đảm nhận.
Ông kể: “Lúc đầu, thấy tôi làm vợ và con đều không cho vì sợ tôi vất vả. Nhưng rồi tôi nói, bố ngồi lắm cũng buồn tay buồn chân. Để cho bố làm, làm được gì đỡ đần việc đó, nhà ta còn nhiều khó khăn. Thấy tôi nói thế, vợ con không dám ngăn nữa”.
Khổ nỗi, việc nhà chỉ làm mỗi một lúc đầu và cuối buổi, thời gian còn lại ông Mị chỉ biết ngồi chơi, xem ti vi. Người công nhân quen vất vả, cực nhọc, nay ăn rồi phải ngồi không nên rất khó chịu. Đến năm 2005, bằng vốn nghề có sẵn, ông Mị quyết định ra ngã tư ga bơm vá và sửa chữa xe đạp, xe máy. Cũng từ đó, hình ảnh người đàn ông có dáng người đậm; khuôn mặt hiền lành và phúc hậu ngồi trên chiếc xe lăn đeo lủng lẳng những bơm, chậu, chai nước trở nên quen thuộc với những ai thường xuyên đi qua ngã tư ga.
Ông Mị tâm sự: “Có nhiều người đến chơi rồi bàn lùi, "như ông thì ăn rồi ngồi nhà mà chơi, làm làm gì nữa cho khổ người". Hay có những nhóm người đến đặt vấn đề đi làm bình phong cho họ xin tiền. Lương mỗi tháng 6 triệu đồng. Với những loại người đó, sau đó tôi không bao giờ nói chuyện nữa. Tôi vẫn còn sức khoẻ, vẫn còn đôi tay, tôi vẫn làm được việc và kiếm những đồng tiền chân chính”.
Ông Mị cười nói: Ngày nhiều thì được ít chục, có ngày thì không được đồng nào. Vá cái xăm, ai khá giả thì lấy 10 ngàn đồng, sinh viên hay công nhân thì lấy 5 ngàn đồng. Bơm xe thì lấy 3 hoặc 2 ngàn đồng một bánh; xe đạp của công nhân và sinh viên thì miễn phí.
Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Mị luôn có những hành động cao đẹp. Cánh lái xe ôm ở khu vực ngã tư ga vẫn truyền tai nhau câu chuyện trả lại tiền nhặt được của ông. Người ta kể lại, vào khoảng 7 giờ tối năm 2013, ông Mị đi làm về.
Chiếc xe lăn đến cửa ngân hàng TMCP Sài Gòn (nằm trên đường Nguyễn Sỹ Sách) thì bất ngờ ông Mị thấy một chiếc ví dày cộp nằm giữa đường. Nhìn ngó xung quanh xem có ai rơi ví đang tìm kiếm để báo cho họ nhưng không thấy nên ông để chiếc ví trước bụng rồi tiếp tục về. Đi được mấy chục mét thì thấy một xe máy chạy trái đường với tốc độ rất chậm. Hai người ngồi trên xe đưa mắt dõi theo ánh đèn pha nhìn ngó khắp nơi như muốn tìm lại vật gì đó.
Thấy thế, ông chủ động hỏi và biết được hai người này đang đi tìm lại ví tiền bị rơi. Ông Mị hỏi tiền nhiều không. Hai người thưa là 34,8 triệu đồng, trong đó có 4 tờ 2 trăm ngàn và 34 triệu là tờ 5 trăm ngàn. Ông Mị giơ chiếc ví vừa nhặt được ra kiểm tra thì thấy đúng số tiền trên nên trả lại cho hai người đi tìm. “Nếu là người có lòng tham, lúc nhặt được số tiền lớn như thế, ông Mị cất giấu thì hai người đó cũng sẽ không tìm được. Nhưng ông ấy lại không làm như thế mà trả lại cho người bị rơi”, một lái xe ôm chia sẻ.
Được biết, đó không phải là lần duy nhất ông Mị “nhặt được của rơi tìm người trả lại”. Trước đó, ông đã từng nhặt được ví có tiền, thẻ ATM và giấy tờ tuỳ thân. Sau đó, ông đã liên hệ và trả lại. Mặc dù người đánh rơi đã hậu tạ ông cả phong bì dày nhưng ông vẫn nhất quyết không nhận.
10 giờ sáng những ngày tháng 7, mặt trời chói chang. Dưới ánh nắng như thiêu như đốt cộng với nhiệt, bụi do xe cộ và con người khiến không khí ngoài đường nóng rang, ông Mị vẫn ngồi dưới gốc cây ở ngã tư. Một người phụ nữ đến bơm xe, tôi chạy đến xin giúp ông. Ông gạt tay rồi nói: “Ông còn đôi tay, còn sức, ông vẫn làm được”. Rồi ông tuột từ trên chiếc xe lăn xuống, nhét vòi bơm vào van xe. Ông vươn mình kéo cần bơm lên cao rồi ấn xuống từng nhịp dứt khoát, mạnh mẽ…
Theo Anh Ba - Hồ Hà/Báo Gia đình xã hội