Đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo

Một đề án thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng với các quy định rõ ràng cụ thể về tiêu chí và điều kiện đã được phê duyệt.

Đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo

Lựa chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển là một sự đổi mới trong công tác cán bộ, tuy nhiên thực tiễn đã cho thấy không phải cuộc thi tuyển nào cũng thành công như kỳ vọng. Đã có cuộc thi mà sau đó người trúng tuyển không được bổ nhiệm, cũng đã có những cuộc thi được tổ chức nhưng chưa thực sự gắn với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, khiến chủ trương này phải dừng lại.

6 năm trước, cuộc thi tuyển Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã diễn ra với kết quả được cho là khá bất ngờ. Bởi, nếu bổ nhiệm theo cách cũ thì có thể ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc hiện tại đã không thể được bổ nhiệm. Tuy nhiên, trong một cuộc thi dân chủ, công khai theo đề án của tỉnh, ông Đồng đã vượt qua hai đồng nghiệp khác cùng là Phó Giám đốc để trở thành người đứng đầu Bệnh viện này một cách thuyết phục.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Đồng (giữa).
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Đồng (giữa).

Việc thí điểm tuyển chọn lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển ở Bắc Giang được đánh giá khá thành công, nhưng theo cấp ủy địa phương này, bên cạnh mặt được cũng có nhiều mặt còn hạn chế như: việc chọn ứng viên dự tuyển và sự lúng túng của hội đồng tuyển chọn dẫn đến kết quả có khi thiếu chính xác.

Nguyên nhân chính được cho là những quy định về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý còn mới, chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định cụ thể từ Trung ương như việc tổ chức thực hiện còn lúng túng. Đây cũng là câu chuyện phổ biến đã diễn ra tại nhiều địa phương và các Bộ ngành đã thí điểm việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý trong những năm qua.

Với Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh - người trúng tuyển Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội trong một cuộc thi do Bộ Tư pháp tổ chức nhưng không được bổ nhiệm cách đây 2 năm, tới giờ, dư âm của cuộc thi còn khiến anh cảm thấy buồn. Vì uy tín bị ảnh hưởng bởi cách xử lý vấn đề còn lúng túng, thậm chí thiếu rõ ràng của cơ quan tổ chức kỳ thi này.

Sau kỳ thi, chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã có người được bổ nhiệm nhưng không phải là người có số điểm cao nhất trong kỳ thi được đánh giá là cạnh tranh và nghiêm túc.

Việc thi tuyển cán bộ quản lý được các địa phương tiến hành gần 10 năm qua đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, vì không có sự thống nhất và cách hiểu chung. Mỗi địa phương, Bộ, ngành lại có cách tuyển chọn khác nhau. Trong thực tế, có trường hợp thi tuyển trúng nhưng không thể bổ nhiệm như trường hợp ở Bộ Tư pháp; cũng không ít trường hợp trúng tuyển bổ nhiệm nhưng qua thực tiễn đưa vào vị trí chức danh thi tuyển lại bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; có trường hợp trúng tuyển nhưng không trong quy hoạch...

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, một đề án thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ cấp sở cấp phòng với các quy định rõ ràng cụ thể về tiêu chí và điều kiện đã được phê duyệt. Việc đổi mới tư duy, cách làm trong đề án này được kỳ vọng sẽ góp phần lựa chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực giữ cương vị quản lý, thực hiện thành công chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Theo VTV.VN