Doanh nghiệp Việt vung tiền tuyển CEO ngoại vì "chia tay không đòi quà"!
(Dân trí) - Nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao, thu nhập "khủng" ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn.... đang vắng bóng dáng ứng viên người Việt.
Nhân lực Việt thua trên sân nhà
Người lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước mà giờ đây phải "đua" với nhân lực quốc tế đến từ nhiều quốc gia ngay tại sân nhà.
Đó là vấn đề được GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh tại hội thảo quốc tế về đẩy mạnh liên kết đại học - công nghiệp năm 2022 về chủ đề "Quốc tế hóa giáo dục đại học".
Theo GS.TS Mai Thanh Phong, thế giới đang ở bối cảnh quốc tế hóa, sự phát sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, khoa học kỹ thuật với các khái niệm "công dân toàn cầu", "thế giới phẳng".
Lâu nay người Việt đã quen với việc chỉ cạnh tranh với nhau, cạnh tranh giữa trường này với trường khác trong nước. Nhưng giờ đây, kỹ sư, cử nhân tại Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước mà buộc phải cạnh tranh với nguồn nhân lực đến từ các nước.
"Thực tế hiện nay, rất nhiều công ty, kể cả công ty của Việt Nam tuyển nhân viên từ nước ngoài, đặc biệt là nhân lực cao cấp, nắm giữ các vị trí quan trọng tại doanh nghiệp. Kỹ sư đến từ Ấn Độ, cử nhân từ Philippines, Malaysia, Thái Lan và các nước khác", GS.TS Mai Thanh Phong cho biết.
Vị Hiệu trưởng cho rằng môi trường lao động quốc tế đang hình thành ngay tại Việt Nam, chứ không chỉ là chuyện người Việt ra nước ngoài.
Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo nhân lực phải nâng cao chất lượng, chú trọng về ngoại ngữ, các kỹ năng làm việc, đàm phán, giao tiếp, lãnh đạo... Đẩy mạnh quốc tế hóa, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà phải cả doanh nghiệp nước ngoài với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.
Dịp này, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng thực hiện ký hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp nhằm gia tăng thêm cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.
CEO ngoại có thể sa thải trong tích tắc, CEO Việt quậy "banh lầu"
Vấn đề nhân lực Việt "thua" trên sân nhà , tại chương trình "Định nghĩa lại lãnh đạo & Định nghĩa lại tài năng", nhiều chuyên gia chia sẻ với cơ hội học tập ngày càng rộng mở nhân lực Việt không thua kém về năng lực so với nhân sự nước ngoài, thậm chí còn xuất sắc hơn.
Chưa kể, họ có rất nhiều lợi thế sân nhà như ngôn ngữ, am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, lối sống... Mức lương, chi phí cho nhân lực Việt cũng "dễ thở" hơn nhiều. Vậy nhưng, thực tế, các tập đoàn vẫn ít dành vị trí quản lý cấp cao cho nhân sự trong nước.
Nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao, thu nhập "khủng" ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn.... đang vắng bóng dáng ứng viên người Việt.
Điều này được nhiều người lý giải "trình độ không bằng thái độ". Nhiều nhân sự Việt thiếu thái độ làm việc tích cực, hợp tác, thiếu các kỹ năng quan trọng cũng như hạn chế trong việc đảm bảo các yếu tố an toàn cho doanh nghiệp khi không tiếp tục hợp tác.
Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, trong bổ nhiệm quản lý cấp cao, tài năng chưa bao giờ và không bao giờ là yếu tố số 1 để các doanh nghiệp lựa chọn. Nếu buộc phải chọn giữa trình độ và thái độ, người ta sẽ chọn thái độ. Mà yếu tố này không dễ tìm thấy ở nhân lực người Việt.
Ông Trung cũng nhận định, nhân sự trong nước thường "tài đi với tà", trong khi các tập đoàn cần người tài nhưng không "tà". Hơn nữa, họ cần người giỏi nhưng họ từ chối người giỏi mà chưa chịu lớn. Nhân lực Việt có nhiều người giỏi nhưng lại có ít người "lớn".
"Tuyển một CEO nước ngoài, nếu họ không làm được việc, sa thải trong tích tắc và xách ly về nước. Trước khi về, họ vẫn cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội đến đây. Còn nhiều CEO trong nước, nếu không hợp, chia tay rất nan giải, có khi họ "quậy" banh nhà lầu luôn", ông Trung nói.
Ông Trung nêu quan điểm, điều quan trọng nhất khi bổ nhiệm nhân sự cấp cao là yếu tố an toàn. An toàn không phải lúc đang hợp tác với nhau mà chính là khi chia tay. "Chia tay" đàng hoàng, "không đòi quà" là vậy! Khi "có biến", con người ta mới thể hiện đúng bản chất của mình.
Theo nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đạo tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nhóm nghiên cứu Kinh tế, trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam gặp nhiều hạn chế.
Cụ thể, hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam (chiếm đến hơn 50% số lượng người tham gia nghiên cứu chuyên sâu) không có nhiều sự cải thiện trong xuyên suốt một giai đoạn dài (2013-2016). Trong khi, hệ thống đại học/cao đẳng chưa nhận được các khuyến khích phù hợp để phát triển trong dài hạn.
Báo cáo năm 2022 của Tổng cục thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn là chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số theo đánh giá của World Bank (2019).