Nghệ An

Doanh nghiệp trây ỳ trả nợ bảo hiểm, người lao động lao đao

(Dân trí) - Số tiền bảo hiểm (BH) người lao động nộp đã không được công ty chuyển đến cơ quan BHXH. Thậm chí, lao động phải nộp luôn cả phần của công ty, nhưng không được giải quyết bất kỳ chế độ bảo hiểm nào. Họ lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”.

Công ty CPXD cầu đường Nghệ An.
Công ty CPXD cầu đường Nghệ An.
Người lao động kêu cứu

Theo phản ánh của chị Thái Thị Hồng (SN 1966, công nhân đội cầu, Công ty CP XD cầu đường Nghệ An), hằng tháng chị vẫn trích đóng tiền bảo hiểm đều đặn qua lương bao gồm cả phần đáng lẽ ra doanh nghiệp phải trích nộp cho người động. Đến tháng 10/2013, do công ty không bố trí được việc làm nên chị Hồng xin nghỉ việc nhưng vẫn tiếp tục đóng BHXH tại công ty.

“Tôi mất tiền đóng BHXH nhưng các chế độ ốm đau, thai sản hay các chính sách tối thiểu khác của người lao động lại không được hưởng. Chúng tôi đóng tiền bảo hiểm có phiếu thu hẳn hoi mà giờ lên đòi quyền lợi mới biết Công ty đang nợ BHXH nên họ không giải quyết cho. Không được hưởng các chế độ BH, tôi phải mua thẻ BHYT tự nguyện để giảm chi phí khi điều trị tại bệnh viện”, chị Hồng bức xúc.

Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1968, trú tại TP Vinh) đã nộp bảo hiểm được 23 năm 6 tháng. Bắt đầu từ năm 2011, công ty trì trệ, không có công ăn việc làm nhưng không muốn gián đoạn thời gian tham gia BHXH và mong muốn sau này có đồng lương hưu, mặc dù đã xin nghỉ làm nhưng chị Phương vẫn tiếp tục đóng BH tại công ty. “Năm 2013, tôi đủ tuổi nghỉ hưu nên đến công ty làm thủ tục để chốt BHXH để được hưởng các quyền lợi hưu trí nhưng không được vì công ty đang nợ BHXH”, chị Phương cho biết.

Một trong những phiếu thu BH của công ty chỉ có chữ kí của người thu tiền.
Một trong những phiếu thu BH của công ty chỉ có chữ kí của người thu tiền.

Đây cũng là tình cảnh chung của 23 lao động khác dù đã đủ thời gian công tác và điều kiện để về hưu nhưng vì thiếu nợ bảo hiểm xã hội nên vẫn chưa được chốt sổ BHXH. Đồng nghĩa với đó là họ hoàn toàn không được hưởng bất kỳ quyền lợi liên quan nào đối với người tham gia BHXH.

Nhiều lao động khác lại đang lâm vào tình cảnh không thể thể tiếp tục đóng BH tại công ty nhưng cũng không thể rút bảo hiểm để tham gia ở các đơn vị khác vì vào tháng 8/2013, Công ty CPXD cầu đường Nghệ An đã thông báo không cho phép công nhân tự đóng bảo hiểm xã hội qua công ty nữa.

“Số tiền đóng BH trước khi chúng tôi xin nghỉ việc cũng không được công ty nộp cho phía BHXH tỉnh. Khi nghỉ hưu, chúng tôi đóng 100% bảo hiểm thông qua công ty nhưng số tiền này cũng “bốc hơi” mà không được chuyển tới cơ quan bảo hiểm.

Vậy thì số tiền đó đã đi đâu? Tiền thì chúng tôi vẫn đóng mà quyền lợi tối thiểu của người lao động như ốm đau, thai sản, hưu trí… đều không được hưởng, như thế thì quá vô lý”, một lao động bức xúc.

Trong rất nhiều phiếu thu tiền bảo hiểm tại Công ty CPXD cầu đường Nghệ An không có phần chữ ký của kế toán trưởng, thủ trưởng cơ quan. Một số phiếu thu thì cùng một người vừa ký vào ô thủ quỹ, vừa ký vào ô kế toán. Có phiếu thu được đóng dấu treo của công ty nhưng không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị hoặc ngược lại.

Doanh nghiệp chây ỳ trả nợ bảo hiểm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết: Sự việc nợ BHXH của Công ty CPXD cầu đường Nghệ An đã kéo dài từ năm 2006 tới nay. Năm 2010, BHXH tỉnh Nghệ An đã khởi kiện công ty ra Tòa án để truy đòi số tiền nợ nhưng việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng BHXH đối với công ty này. Do công ty không thực hiện đúng cam kết trả nợ nên Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH và buộc công ty này phải trích tiền từ tài khoản tiền gửi truy nộp vào quỹ BHXH.

Một trong những phiếu thu BH của công ty chỉ có chữ kí của người thu tiền.
Kết luận thanh tra cho thấy Công ty CPXD cầu đường Nghệ An có nhiều vi phạm trong thực hiện BHXH cho người lao động với số tiền nợ lên tới hơn 3,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty CPXD cầu đường Nghệ An không thực hiện đúng cam kết thực hiện lộ trình trả nợ BHXH, thường xuyên vi phạm các cam kết trả nợ, không thực hiện nộp BHXH dẫn đến số nợ BHXH ngày càng tăng.

Tính đến hết tháng 6/2014, Công ty CPXD cầu đường Nghệ An đang nợ cơ quan bảo hiểm 3,282 tỉ đồng, trong đó hơn 2,4 tỉ đồng tiền BHXH, hơn 10,6 triệu đồng tiền BHYT và hơn 7,2 triệu đồng tiền BHTN, lãi suất chậm nộp hơn 846 triệu đồng.

Đến nay, 138 lao động đã nghỉ việc, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được chốt sổ BHXH. 9 trường hợp nghỉ chế độ thai sản cũng chưa được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó GĐ BHXH tỉnh Nghệ An, trên thực tế cơ quan BHXH tỉnh chỉ có quyền kiểm tra việc thực hiện chính sách nên rất khó trong việc xử lý đối với những đơn vị vi phạm dù có dấu hiệu hình sự. “Riêng đối với số lao động gửi đóng BHXH qua công ty cũng cần phải cân nhắc biện pháp xử lý. Trong quy định không có việc gửi đóng BHXH. Thu tiền gửi đóng BHXH của người lao động là sai, việc này thuộc về trách nhiệm của công ty.

Một trong những phiếu thu BH của công ty chỉ có chữ kí của người thu tiền.
Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra, xác minh những nội dung tố cáo tại Công ty CPXD cầu đường Nghệ An.

Tuy nhiên, đây là những lao động có thời gian công tác tại công ty, do công ty không bố trí được việc làm nên họ buộc phải nghỉ việc. Hiện tại chúng tôi cũng đang chờ đợi kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan liên quan để xác định khả năng tài chính của Công ty CPXD cầu đường Nghệ An trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng nộp BH cho người lao động”, ông Giang cho hay.

Liên quan đến các nội dung tố cáo của người lao động (trong đó có vấn đề BHXH), Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 238/QĐ-TTR thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPXD cầu đường Nghệ An cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Và trong khi chờ kết quả thanh, kiểm tra để có căn cứ giải quyết sự vụ thì 138 công nhân của công ty này vẫn đang mòn mỏi chờ đợi những quyền lợi chính đáng của mình.

Hoàng Lam