Doanh nghiệp nợ BHXH: Hàng ngàn lao động điêu đứng

Nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai nợ tiền chế độ bảo hiểm xã hội, khiến hàng nghìn lao động gánh chịu thiệt thòi.


Doanh nghiệp nợ đóng BHXH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, vận tải.

Doanh nghiệp nợ đóng BHXH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, vận tải.

Đẩy khó cho người lao động

Ông N.M.H. công tác tại Cty cổ phần Đông Hưng 20 năm và đóng bảo hiểm 31 năm. Những năm trước, ông H. vẫn được Cty đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đến năm 2011, thì ông H. không thấy thẻ BHYT, mặc dù trong bảng lương vẫn bị trừ tiền đóng BHXH. Sau nhiều năm công tác, đến nay, ông H. vẫn phải chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm gần 8 triệu/tháng.

Chi phí khám, chữa bệnh đều do ông và gia đình tự lo bởi không có thẻ BHYT. “Tôi tự bỏ tiền túi ra chữa bệnh. Mua bảo hiểm gia đình thì không được vì tên mình đã có danh sách ở Cty. Đến thời điểm này tôi đã đóng BHXH được 31 năm, nhưng xin nghỉ hưu thì không thanh toán được”-Anh H. chia sẻ.

Tương tự, anh N.Đ.T. (công nhân Cty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hoàng Tiến) khi ký hợp đồng lao động với Cty thì chỉ nghe nói là sẽ được đơn vị đóng BHXH. Nhưng sau 3 tháng làm việc, anh vẫn chưa được nhìn thấy thẻ BHYT. Anh T. cho biết: Vì lo trong quá trình lao động xảy ra rủi ro nên anh T. đóng BHYT theo hộ gia đình. Khi ký hợp đồng lao động với tôi thì bên Cty ký kết sẽ đóng đầy đủ BHXH, BHYT, giờ vẫn không thấy gì. Nghe đâu thẻ BHYT của tôi giám đốc đang cầm”, anh T. nói.

Các trường hợp trên chỉ là điển hình trong số hàng ngàn công nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tất cả đang chung số phận bị mất quyền lợi, chịu thiệt thòi trên chính nơi mình đang bỏ công sức ra để xây dựng nó phát triển từng ngày.

2.300 người lao động chịu khổ

Theo số liệu của BHXH tỉnh Gia Lai, hiện nay địa bàn có 138 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền hơn 44,4 tỷ đồng, khiến gần 2.300 người lao động phải chịu thiệt thòi. Theo đoàn công tác của BHXH thành phố Pleiku đến các doanh nghiệp thu hồi tiền nợ đọng BHXH, chúng tôi nhận thấy những doanh nghiệp nợ BHXH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, vận tải... nguyên nhân đa phần do làm ăn thua lỗ.

Cty Cổ phần Đông Hưng đã nợ 78 tháng 3 loại bảo hiểm với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Luyn-Giám đốc Cty cổ phần Đông Hưng giải thích “Hiện đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về tài chính; công nợ, vốn chưa giải ngân được,... nên chỉ tạm ứng lương cho công nhân, sẽ cố gắng thu hồi công nợ để nộp dứt điểm khoản nợ bảo hiểm”.

Cty TNHH Vận tải Hoàng Phát - Pleiku cũng đã nợ 23 tháng BHXH với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Được biết, doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa do thay đổi chủ, dẫn đến thanh toán chậm BHXH. Theo ông Hoàng Trọng Văn- Giám đốc Cty TNHH vận tải Hoàng Phát - Pleiku, thì Cty còn ôm nhiều khoản nợ, nhưng sẽ ưu tiên chi trả BHXH trong tháng 5.

Với các địa chỉ khác, đoàn thu hồi nợ của BHXH thành phố Pleiku rất khó để gặp được chủ doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng này, ông Nguyễn Thành Tân- Phó Giám đốc BHXH thành phố Pleiku cho rằng, trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe.

Hàng tháng, BHXH thành phố Pleiku đều thông báo trên Đài truyền hình-truyền thanh thành phố đối với các doanh nghiệp nợ trên 3 tháng, phối hợp với phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh, cung cấp cho tổ chức Công đoàn số liệu, thủ tục lập hồ sơ khởi kiện cũng như quy trình khởi kiện, thi hành án, nhằm thu hồi nợ bảo hiểm, giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, đòi lại quyền lợi cho người lao động trong thời gian tới, bà Đinh Thị Thu Thọ- Phó Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác thu, đôn đốc phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Tham mưu Tổ thu nợ tỉnh, huyện triển khai công tác thu nợ năm 2018. Đồng thời, chủ động phối hợp Sở kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh rà soát các doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia, tham gia không đầy đủ số lao động đưa vào khai thác.

8 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH kéo dài đã bị chuyển hồ sơ lên phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an tỉnh Gia Lai gồm: Cty Cổ phần Sông Đà 3; Cty Cổ phần xây dựng và vận tải Gia Lai; Chi nhánh Tây Nguyên - Tổng Cty xây dựng công trình giao thông I; Cty cổ phần Đông Hưng; Chi nhánh Cty TNHH Vinh Quang I; Cty cổ phần Tập Đoàn Đức Long Gia Lai; Cty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức; Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh dịch vụ 117. Tổng số tiền nợ đọng BHXH của các đơn vị là hơn 26,4 tỷ đồng.

Theo Báo Tiền phong