1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Doanh nghiệp gắng hỗ trợ 50-70% lương cho công nhân ngưng việc vì Covid-19

Xuân Hinh

(Dân trí) - "Công ty sẵn sàng chi trả lương từ 50-70% cho người lao động trong tối đa một năm nếu dịch còn diễn biến phức tạp, khiến họ buộc phải ngưng việc" - Giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM chia sẻ.

Doanh nghiệp gắng hỗ trợ 50-70% lương cho công nhân ngưng việc vì Covid-19 - 1

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, khoảng 42.500 người lao động phải mất việc, ngưng việc.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, thời gian qua, khoảng 42.500 người lao động đã bị mất việc, ngưng việc do dịch Covid-19. Khó khăn làm vậy nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đảm bảo cơ bản quyền lợi cho người lao động.

"Hai năm nay, chúng tôi đã sử dụng gần hết vốn đối ứng để duy trì hoạt động và hỗ trợ người lao động. Thực sự đây là thử thách mà không doanh nghiệp nào muốn trải nghiệm vì ranh giới tới phá sản khá mong manh", ông Huỳnh Bảo Toàn - Giám đốc Công ty Z.T.D tâm sự.

Theo ông Huỳnh Bảo Toàn, Công ty Z.T.D hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng các khu resort, khu nghỉ dưỡng nên chịu ảnh hưởng khá nặng nề khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hàng loạt các doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không thể tìm được lối ra cho sản phẩm.

"Khó khăn bủa vây buộc tôi phải thay đổi hình thức kinh doanh, nếu không sẽ phá sản. Từ khách hàng là các chủ resort, tôi chuyển đổi sang nhóm khách hàng là các chủ nhà vườn. Khi dịch, nhu cầu xây nhà vườn để nghỉ dưỡng tăng cao, nhờ vậy công ty có thể cầm cự được đến nay", ông Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ.

Theo ông, để công ty có thể duy trì, người lao động đóng vai trò quan trọng và tiên quyết. Trong 2 năm qua, có thời điểm nhiều tháng liền không có đơn hàng, ông vẫn duy trì phúc lợi cho công nhân, đảm bảo họ có ít nhất 50% lương khi phải nghỉ việc, ngưng việc do dịch Covid-19.

"Dịch Covid-19 lại bùng phát và chắc chắn công ty sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể nặng nề hơn một năm về trước. Tuy vậy, tôi vẫn tìm mọi cách để giữ chân người lao động vì phía sau họ còn cả một trời lo toan. Dù nhà máy có phải tạm đóng cửa, công ty vẫn duy trì lương cho người lao động trong 6 tháng", vị giám đốc này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thế Anh - Giám đốc Công ty S.C, cho rằng cần tạo mọi điều kiện để giúp người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Hiện, công ty S.C hoạt động trong lĩnh vực may mặc với khoảng 300 người lao động.

"Nếu người lao động không chung tay thì công ty không thể hoạt động trong 20 năm qua. Do vậy, không có lý do gì để buộc họ phải ngưng việc, nghỉ việc không lương trong lúc khó khăn này. Dịch chắc chắn sẽ nhanh qua và hoạt động sản xuất sẽ trở lại", ông Phạm Thế Anh chia sẻ.

Theo ông Phạm Thế Anh, doanh nghiệp cần tồn tại thì đều sẵn sàng hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, nguồn quỹ dự phòng của mỗi công ty khác nhau nên việc hỗ trợ cũng khác nhau.

"Công ty S.C sẵn sàng chi trả lương từ 50 - 70% cho người lao động từ 6 tháng đến một năm nếu dịch còn diễn biến phức tạp và họ buộc phải ngưng việc. Chắc chắn công ty sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng đây là lúc cùng đồng lòng hỗ trợ nhau chứ không phải tính toán thiệt hơn", ông Phạm Thế Anh khẳng định.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết: "Thời gian qua, Sở luôn tập trung tham mưu triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời những lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không bỏ lại ai phía sau".

Theo ông Lê Minh Tấn, ngoài hỗ trợ những lao động gặp khó khăn về vật chất, Sở luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là trụ cột quan trọng để người lao động có việc làm ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Do vậy, đời sống của người lao động trên địa bàn đã có nhiều thay đổi.

"Môi trường làm việc thông thoáng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, người lao động được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khám sức khỏe định kỳ. Ngoài tiền lương, người lao động được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ tiền xăng xe, trợ cấp nuôi con nhỏ, tiền thuê nhà. Nhiều doanh nghiệp quan tâm xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở miễn phí...", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhấn mạnh.