Lao động Việt ở Singapore "gồng mình" vượt qua đại dịch Covid-19

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến người lao động Việt Nam ở Singapore gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, họ đang nỗ lực bám trụ để duy trì cuộc sống nơi đất khách quê người.

Lao động Việt ở Singapore gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19 - 1
Các quán ăn ở Singapore phải đóng cửa tạm dừng hoạt động trong đợt giãn cách xã hội lần thứ 2, bắt đầu từ ngày 15/5 (Ảnh: Phương Võ).

Nhân viên quán ăn chuyển làm công nhân vệ sinh

Tháng 8/2019, anh Võ Đình Phương (SN 1986, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) xuất cảnh sang Singapore, thời hạn 2 năm. Công việc phụ bếp trong một quán ăn tại đảo Sentosa mang lại cho anh khoản thu nhập 1.300 đô la Singapore/tháng, sau khi trừ các chi phí.

Vừa sang chưa được 1 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, tháng 4/2020, Singapore thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Quán ăn phải đóng cửa, anh Võ Đình Phương tạm dừng việc, hạn chế đi lại theo khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền.

"Quãng thời gian đó thực sự là khủng hoảng. Tôi chỉ ăn rồi ở trong căn phòng nhỏ xíu, không gặp gỡ, trò chuyện được với ai. Ngoài những lúc gọi về cho gia đình. Không biết chia sẻ với ai, tôi ngỡ sắp tự kỷ đến nơi", anh Võ Đình Phương nhớ lại.

Khi dịch tạm lắng, các cửa hàng được phép hoạt động trở lại trong điều kiện phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt để phòng, chống Covid-19.

Niềm vui chưa kéo dài được lâu thì ngày 16/5, tình hình dịch Covid-19 tại Singapore diễn biến phức tạp, các cửa hàng ăn uống phải đóng cửa lần thứ 2 hoặc chuyển sang bán hàng mang về.

Lao động Việt ở Singapore gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19 - 2
Mất việc làm, đối mặt với nguy cơ trở thành lao động bất hợp pháp, may mắn anh Võ Đình Phương tìm được công việc mới tại một kho hàng thuộc sân bay (Ảnh: Phương Võ).

Nếu như lần giãn cách hồi tháng 4 năm ngoái, những lao động như anh Võ Đình Phương được nhận một khoản hỗ trợ tạm đủ chi trả cuộc sống tối thiểu thì lần này không được trợ cấp. Do không hoạt động, không có doanh thu, chủ cửa hàng thông báo thanh lý hợp đồng trước thời hạn.

Theo anh, khi công ty thông báo chấm dứt lao động trước thời hạn thì có hứa sẽ mua vé máy bay để các lao động về nước. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 tới nay các đường bay thương mại từ Singapore về Việt Nam đã dừng nên việc mua vé là không thể.

"Chúng tôi có một tháng để tìm việc khác, quá thời hạn đó không có hợp đồng lao động mới chúng tôi sẽ bị xem là lao động bất hợp pháp", anh Võ Đình Phương cho hay.

Tìm việc trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị tác động mạnh từ dịch Covidi-19 không hề dễ dàng đối với anh, cũng như các lao động Việt Nam khác. Thứ 2 tuần trước, anh tìm được việc làm tại một công ty vệ sinh trong một kho hàng của sân bay ChanGi.

"Làm việc 12 tiếng, thu nhập 2.000 đô la Singapore chưa bao gồm ăn uống đối với chúng tôi trong hoàn cảnh này cũng được coi là tạm ổn. Quan trọng nhất là không phải lo trở thành lao động bất hợp pháp khi không thể kiếm được vé để bay về nhà", anh Võ Đình Phương chia sẻ.

Lao động Việt ở Singapore gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19 - 3

Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng buộc phải cắt giảm nhân viên để giảm các chi phí (Ảnh: Phương Võ).

Chủ quán tự phục vụ khách

Chị Nguyễn Thị Thành (SN 1976, quê Nghệ An) sang Singapore từ năm 2016. Sau nhiều năm bám trụ, trải qua nhiều công việc khác nhau, chị mở được một quán ăn nhỏ tại khu vực Bukit Batok, chuyên phục vụ các món đặc sản Việt Nam và một số món ăn của Singapore.

Trải qua 2 đợt giãn cách xã hội, quán ăn của chị phải tạm đóng cửa một thời gian.

"Đợt dừng hoạt động tháng 4/2020, tôi rất hoang mang nhưng dù sao thời điểm đó vẫn đang có một khoản kinh phí dự phòng, hơn nữa Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ về thuế và tiền thuê mặt bằng. Đợt giãn cách lần này kéo dài 1 tháng thực sự là rất khó khăn vì trước đó việc kinh doanh bị ảnh hưởng, các chính sách hỗ trợ không còn...", chị Nguyễn Thị Thành cho hay.

Lao động Việt ở Singapore gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19 - 4
Nhân viên rửa bát và phục vụ là đối tượng lao động bị cắt hợp đồng đầu tiên (Ảnh: Phương Võ).

Không được phục vụ tại chỗ mà chỉ bán hàng cho khách mang về, nhiều hàng quán buộc phải cắt giảm nhân viên rửa bát, phục vụ. Để tiết kiệm chi phí, chủ cửa hàng trực tiếp đảm nhận các khâu chuẩn bị, chế biến, bán hàng.

Dù doanh thu chỉ bằng một phần nhỏ so với trước thời điểm xảy ra dịch nhưng đối với họ, được phép hoạt động để có thêm nguồn chi trả các loại thuế cũng như nhu cầu của bản thân đã là một điều may mắn.

Theo chị Nguyễn Thị Thành, nhu cầu khách đông dần trở lại nhưng diễn biến dịch vẫn đang hết sức khó lường nên các cửa hàng chưa dám tuyển dụng nhân viên mới.

"Chúng tôi mong muốn dịch sớm được khống chế, mọi việc trở lại bình thường như vốn có để yên tâm kinh doanh. Các năm trước, mỗi năm tôi về thăm nhà một lần, từ hồi dịch tới nay chưa thể về, phải bỏ lỡ nhiều sự kiện trọng đại của gia đình", chị Nguyễn Thị Thành ngậm ngùi.