1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp dệt may chống đỡ khủng hoảng, giữ chân công nhân thế nào?

Hoa Lê

(Dân trí) - Trong bối cảnh gặp khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm giải pháp để duy trì việc làm, không cắt giảm lao động.

Tại họp báo cung cấp thông tin về Chương trình "Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2023", chiều 23/10, bà Đinh Thị Hồng Hạnh, đại diện công ty may mặc ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên cho biết, năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn.

Do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động, để giảm chi phí.

Doanh nghiệp dệt may chống đỡ khủng hoảng, giữ chân công nhân thế nào? - 1

Bà Đinh Thị Hồng Hạnh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Để duy trì việc làm cho gần 17.000 lao động, công ty này quyết định nhận đơn hàng nhỏ lẻ, hàng gia công, hàng có lợi nhuận thấp...

"Ban lãnh đạo công ty không cho phép cắt giảm bất cứ một người lao động nào. Chúng tôi tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ chức lại sản xuất thay vì cắt giảm nhân sự", bà Hạnh thông tin.

Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho hay, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp có đóng góp quan trọng của người lao động. Người lao động là một bộ phận của doanh nghiệp, là nhân tố quan trọng để tạo ra sản phẩm cho xã hội. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức Bảng xếp hạng, giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động.

Ông Trần Thanh Hải đánh giá, Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động 2023 đến nay đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo quy định, sự phối hợp chặt chẽ của 3 đơn vị tổ chức.

Doanh nghiệp dệt may chống đỡ khủng hoảng, giữ chân công nhân thế nào? - 2

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Hải).

Năm 2023, chương trình có nhiều chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh chung của kinh tế có nhiều khó khăn kéo dài, giữ được việc làm đã khó nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá cao sáng kiến của 3 cơ quan trong việc triển khai chương trình vinh danh Doanh nghiệp vì người lao động trong nhiều năm qua. Dù gặp vô vàn khó khăn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, vươn lên.

"Hạnh phúc lớn nhất của doanh nghiệp là tạo việc làm cho người lao động. Hạnh phúc lớn nhất của người lao động là có được việc làm, thu nhập thỏa đáng.

Việc vinh danh doanh nghiệp là sự cổ vũ, động viên doanh nghiệp kịp thời để họ vượt khó, đến đích thành công, tạo nhiều công ăn, việc làm hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển của đất nước", ông Phòng chia sẻ.

Chương trình "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giao cho Báo Lao Động là đơn vị trực tiếp thực hiện, liên tục từ năm 2014 tới nay.

Chương trình bình chọn và vinh danh những doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm tiến tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển.

Chương trình gồm Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" (xếp hạng hằng năm) và Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động (3 năm/lần).