Đỏ mắt tìm người giỏi
Tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng - khách sạn diễn ra ngày một gay gắt
Các nhà hàng, khách sạn cần nhiều nhân lực giỏi để chế biến thức ăn
Thống kê mới nhất của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (gọi tắt là trung tâm)cho thấy nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch - nhà hàng - khách sạn tăng gấp 2 lần quý III/2014 (chiếm 8,6% tổng nhu cầu tuyển dụng, đứng thứ 3 trong 7 nhóm ngành cần nhiều nhân lực nhất).
Thiếu lao động cấp cao
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, dự báo: “Lĩnh vực nhà hàng - khách sạn sẽ ngày càng khan hiếm lao động trong thời gian dài. Đối với vị trí tổ trưởng, quản lý nhà hàng, khách sạn, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải giỏi tiếng Anh, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản”.
Các nhà hàng, khách sạn cần nhiều nhân lực giỏi để chế biến thức ăn.
Ở các khách sạn 4 - 5 sao, vị trí quản lý cấp trung, cao; nhân viên có kỹ năng và ngoại ngữ cũng đang thiếu nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đội ngũ này quá tuổi, bị đối thủ cạnh tranh mời gọi hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ khác có thu nhập, chế độ tốt hơn. Tại khách sạn Caravelle, một số vị trí quản lý phải mất thời gian dài mới tìm được người phù hợp. Không chỉ vậy, khách sạn còn bỏ không ít thời gian đào tạo và thử thách đối với nhân viên mới.
Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc khách sạn Caravelle, cho biết: “Tại bộ phận ẩm thực của khách sạn, vị trí phó giám đốc đã để trống 6 tháng nay. Nhiều đầu bếp, thợ pha chế tay nghề cao cũng “nhảy” qua hệ thống khách sạn nước ngoài. Để có nhân lực, chúng tôi phải thông qua head hunter khiến chi phí tăng cao”.
Theo các chuyên gia, trong năm 2015, sự nở rộ của hệ thống nhà hàng, khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục thu hút nhân sự cấp trung và cao. Thế nhưng theo khảo sát hơn 1.300 lao động làm việc trong ngành nhà hàng - khách sạn của JobStreet.com, chỉ có 45% trong số này có bằng cấp chuyên ngành.
Chỉ 22% người làm khảo sát thừa nhận kiến thức học được ở trường hỗ trợ họ rất nhiều khi đi làm. Ở khối nhân sự cấp trung và cao, nguồn cung vẫn kém xa nhu cầu do DN trả lương không tương xứng hoặc trình độ của người lao động (NLĐ) chưa đáp ứng yêu cầu DN, đặc biệt là ngoại ngữ.
Khó giữ lao động
Ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho rằng DN trong nước thường chủ quan, ép nhân viên nhận thù lao thấp. Trái lại, hệ thống nhà hàng, khách sạn của nước ngoài lại có nhiều đãi ngộ cho người lao động. Mặt khác, nhân viên làm ở nhà hàng, khách sạn cao cấp có nhiều cơ hội việc làm ở lĩnh vực mới khi thường xuyên tiếp xúc với “khách VIP”.
Ông Hùng khẳng định: “Mức lương vẫn là yếu tố quan trọng để giữ chân lao động. Hiện mức lương của vị trí phục vụ, lễ tân… trong nhà hàng, khách sạn chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Đó cũng là nguyên nhân đẩy lao động có năng lực ra khỏi ngành”.
Bên cạnh yếu tố cạnh tranh, việc mở rộng thị trường của các DN trong nước cũng làm cho lao động khan hiếm. Đơn cử, Tập đoàn Vingroup cần 10.000 lao động ngành nhà hàng - khách sạn trong năm 2015. Quản lý nhà hàng - khách sạn, chế biến thức ăn là công việc thiếu lao động trầm trọng. Hằng năm, nhà trường cho ra lò gần 1.000 sinh viên (SV) nhưng vẫn không cung cấp đủ cho thị trường lao động.
Theo ông Nguyễn Đông Hòa, để khắc phục tình hình thiếu lao động, các nhà hàng, khách sạn cần chủ động hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, khách sạn Caravelle có kế hoạch bồi dưỡng nhân viên với nhiều hình thức đa dạng, thích hợp cho từng công việc. Ông Hòa cho hay: “Đối với nhân viên thời vụ, chúng tôi tiến hành định hướng nghề nghiệp và rèn chuyên môn.
Chương trình đào tạo cấp giám sát viên và quản lý, quản lý nâng cao được nhiều nhân viên chính thức quan tâm. Đặc biệt, khách sạn đang tiến hành đào tạo vị trí kế thừa trong từng bộ phận để chủ động bổ nhiệm quản lý cấp trung và cao trong tương lai”.
Sinh viên chưa thực hành nhiều. Theo ông Trần Văn Hùng, các cơ sở đào tạo chỉ chăm chăm dạy lý thuyết chứ chưa chú trọng đến việc rèn luyện cQho SV những kỹ năng căn bản nhất. Do vậy, hằng năm SV ra trường nhiều nhưng lại không nhận được sự đón nhận của DN. |
Theo Báo Người lao động