1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

"Đỏ mắt" không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai

Doãn Công

(Dân trí) - "Đỏ mắt" tìm kiếm lao động do tâm lý "còn mùng còn ăn Tết", nhiều nhà vườn ở thủ phủ mai vàng Bình Định phải huy động cả vợ chồng, con cái tự xoay trồng, chăm cây cho vụ sau.

Sau Tết, nông dân tại các làng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" mai vàng lớn nhất miền Trung tất tả lo thuê nhân công chăm sóc mai. Theo những người trồng mai ở An Nhơn, những gốc mai nở sớm không bán được và cây mai chưa đủ tuổi bán phải được chăm sóc rất kỹ để chờ đến vụ Tết năm sau.

Đỏ mắt không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai - 1

Sau Tết, người trồng mai tại thị xã An Nhơn (Bình Định) đã tất bật với công việc chăm sóc mai.

Ông Phan Bảo (58 tuổi, chủ vườn mai hơn 1.000 gốc ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An) cho hay, năm nay tưởng chừng người trồng mai ở đây mất Tết do dịch bệnh. Tuy nhiên, những ngày cuối, thương lái ở phía Bắc ồ ạt đến mua sỉ nên đa số các nhà vườn đều bán đạt mục tiêu doanh thu.

"Ở Bình Định, thường 23 tháng 10 âm lịch là hết lũ lụt, nhưng năm nay lũ đến muộn. Ruộng mai của gia đình tôi nằm ở vùng trũng nên bị ngập lụt, một số mai bị nở sớm, không bán được, phải để lại chăm sóc chờ vụ Tết sau", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, sau Tết, cây mai nào cũng gần như "kiệt sức" vì mọi chất dinh dưỡng đều tập trung để cây bung hoa, khoe sắc những ngày Tết. Sau Tết, người trồng phải vào đất mới, thay chậu, rồi tuốt hết hoa, nụ, bấm cành thừa để cây mai thay lớp "áo mới", sung hơn. Vì vậy, thời điểm đầu năm mới, khi tiết trời xuân đang ấm áp, thuận lợi, ông Bảo thuê thêm 4 nhân công nhổ cọc tre, thay đất, vào chậu mới.

Đỏ mắt không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai - 2

Ông Phan Bảo phải thuê nhân công để thay đất vào chậu mới.

"Nếu không kịp tuốt hoa, nụ, cắt tỉa ngắn bớt cành, thay đất, vào chậu mới thì cây mai sẽ bị kiệt, ảnh hưởng đến chất lượng bông nụ vụ Tết năm sau. Nhưng đầu năm mới, việc thuê lao động khó quá, vì nhiều người cả năm làm việc vất vả muốn nghỉ ngơi, chơi xuân. Thường phải qua ngày 10 tháng Giêng mới dễ tìm lao động hơn", ông Bảo nói. 

Ông Bảo cũng cho hay, 2 năm qua, đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, giá các loại vật tư lại đều tăng. "Thuốc sâu, thuốc cỏ đều tăng, nhất là phân bón, tăng gấp đôi; đất phù sa, cát, xơ dừa… cũng đều tăng giá. Năm ngoái, một xe cát, đất (loại xe Chiến Thắng) chỉ 800 nghìn đồng, năm nay lên 1,1 triệu đồng", ông Bảo nói.

Đỏ mắt không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai - 3

Mỗi công nhổ cọc ghim cây mai, bà Định được chủ vườn trả 150.000 đồng.

Bà Phan Thị Định (54 tuổi, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) đến thôn Háo Đức làm công, cho biết: "Phụ nữ chúng tôi thường làm công việc nhẹ hơn như: nhổ cọc ghim, lặt lá, làm cỏ… Mỗi ngày công, chủ vườn trả 150.000 đồng. Còn đàn ông khỏe mạnh thì khiêng chậu, thay đất, công việc nặng nhọc hoặc bấm cành, đòi hỏi kỹ thuật thì ngày công được trả cao hơn, khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Nhà nông tranh thủ lúc mùa vụ xong xuôi đi làm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước Tết thì chúng tôi đi lặt lá mai, có thương lái thuê thì khiêng mai, còn sau Tết thì đi nhổ cọc, làm cỏ".

Vườn mai hơn 3.000 gốc từ 1 đến 10 năm tuổi của gia đình ông Phan Văn Thái (thôn Háo Đức) có hàng trăm gốc mai 6 - 7 năm tuổi bị nở sớm, không bán được. Việc thuê nhân công khó khăn nên gia đình ông Thái huy động cả vợ chồng cùng hai con trai đang thời gian chưa trở lại thành phố học tập, làm việc chăm sóc mai.

Đỏ mắt không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai - 4

Sau Tết cây mai bị mất sức nên phải thay đất, vào chậu mới.

Theo vợ ông Thái, số mai bị nở sớm là do gia đình lặt lá sớm để kịp bông bán các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương lái vào mua chậm, trong khi thời tiết nắng ấm kéo dài, mai không chờ được.

"Gia đình tôi làm 2-3 vườn mai nên cũng không lo thiếu cây bán Tết. Số mai nở sớm tôi giữ lại chăm lấy hạt gieo để bán giống cây con cho khách hàng. Mỗi năm gia đình tôi bán vài chục nghìn cây mai giống, giá 3.000 đồng/cây. Doanh thu từ bán mai thương phẩm và mai giống hàng năm của gia đình năm nào cũng đạt từ 300 - 500 triệu đồng", vợ ông Thái chia sẻ.

Đỏ mắt không tìm được nhân công, cả nhà chủ vườn tự xoay chăm mai - 5

Những gốc mai nở sớm không bán được, gia đình ông Thái chăm sóc để lấy hạt gieo bán giống.

Vụ mai Tết năm nay, hầu hết người trồng mai ở thị xã An Nhơn đều rất phấn khởi vì doanh thu hộ nào cũng đạt từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, có nhà vườn đạt 500 - 600 triệu tiền bán mai Tết. Theo thống kê từ UBND thị xã An Nhơn, doanh thu của thủ phủ mai miền Trung năm nay đạt kỷ lục, với tổng mức trên 150 tỷ đồng.