Điều gì tạo nên tầm ảnh hưởng của Steve Jobs?

Steve Jobs được người ta ngưỡng mộ cả về tài năng công nghệ thông tin lẫn về kinh doanh, được xem là “nhạc trưởng nổi tiếng nhất về những vật tinh vi ở tỷ lệ siêu nhỏ” (theo tạp chí Time).

Điều gì tạo nên tầm ảnh hưởng của Steve Jobs?
Steve Jobs (1955-2011) là nhà đồng sáng lập của Apple – một trong những thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Được coi là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền công nghiệp máy tính, Steve Jobs đã đóng góp nhiều cho các hình ảnh biểu tượng mang phong cách riêng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính năng lẫn sự thẩm mỹ về mặt thiết kế trong hầu hết các sản phẩm của mình.

Một mình đối đầu với các tay khổng lồ

Khởi đầu của thương hiệu nổi tiếng này rất đơn giản - ngày 1-4-1976, Apple được thành lập trong ga-ra nhà Jobs chỉ với ba thành viên, Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne. Với sản phẩm đầu tiên là máy tính cá nhân Apple I, bộ ba này đã gây nên tiếng vang không nhỏ trong cộng đồng máy tính quốc tế. Một năm sau, Apple II ra đời, đạt được thành quả to lớn khiến Jobs và Wozniak trở thành triệu phú. Một công ty non trẻ chỉ với hai thành viên (Ronald Wayne đã rời đi không lâu sau đó) được phát triển đến tầm cỡ quốc tế với hàng vạn nhân viên khắp toàn cầu.

Năm 1985, Jobs bị chính nhân viên công ty do mình thành lập quay lưng, khi hầu hết đều đứng về phía John Sculley (người được Jobs mời về Apple từ Công ty Pepsi).

Lúc này, Apple đang lâm vào tình trạng khá khó khăn trong khi Jobs và John Sculley lại có những hướng điều hành khác nhau. Với tính khắt khe và không hề khoan nhượng, Jobs nhất quyết không đồng ý với John Sculley trong khi luôn tìm cách giải quyết vấn đề giảm doanh số bán hàng, gây nên bất mãn trong nội bộ công ty, rốt cuộc dẫn đến kết quả ông phải rời khỏi Apple.

Rời khỏi Apple nhưng Jobs đã không thoái chí. Ông bắt đầu lại bằng việc mua hãng phim đồ họa Lucasfilm (sau là Pixar Studios), nhanh chóng trở thành tỉ phú với một loạt phim hoạt hình nổi tiếng, thậm chí đoạt cả giải Oscar. Trong khi đó, Apple tiếp tục quay cuồng trong khủng hoảng. Một lần nữa, người ta thấy được tầm quan trọng của Jobs với Apple nói riêng và lĩnh vực máy tính nói chung.

Nhiều người nói Jobs cản trở sự phát triển của Apple, nhưng sự thật là không có ông, Apple đã lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn.

Apple tuột dốc không phanh và trong lúc ấy, các ông lớn như HP, Dell đã nhân cơ hội để phát triển và nâng cao doanh số. Sự phát triển chóng mặt của Dell lẫn HP khiến cho Apple lao đao, không kiểm soát nổi. Mười năm sau đó, Apple đã phải quay lại cầu cứu chính “cha đẻ” của mình và Jobs trở về tiếp nhận vị trí lãnh đạo công ty.

Vậy Jobs đã làm gì? Ông điều đình với Microsoft, xin sự trợ giúp về tài chính từ đối thủ, thay đổi cơ bản về mặt nhân sự, từ thiết kế đến sản xuất, trọng dụng nhân tài, thành lập lại ban điều hành, sàng lọc lại sản phẩm, thu vén lại cả nguồn vốn lẫn nhân lực, sắp xếp lại kênh bán lẻ, chiến lược marketing cũng thay đổi, chỉ dựa vào một thông điệp duy nhất là “Hãy nghĩ khác đi”, tập trung sản xuất dòng sản phẩm Mac – có thể coi như đây là một cuộc cải tổ hoàn toàn của Apple.

Một loạt bước đi táo bạo của Jobs đã mang đến hiệu quả không ngờ: Chỉ trong vòng vài tháng, Apple đã hồi sinh, từ bờ vực phá sản đi lên thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới, trở thành một thương hiệu nổi tiếng và vượt mặt các ông trùm đang tung hoành lúc bấy giờ như HP hay Dell. Jobs từ một người bị ruồng bỏ trở thành vị cứu tinh.

Việc ông chấp nhận làm giám đốc lâm thời, không nhận lương, đồng thời có thể bỏ đi bất cứ lúc nào đã cho thấy một điều là Apple cần Jobs hơn Jobs cần Apple. Và sự thật là thế. Chính tầm nhìn xa, óc sáng tạo, khả năng điều hành lẫn kỹ năng bán hàng hiệu quả của Jobs đã cứu Apple một bàn thua trông thấy.

Apple và Microsoft: Cuộc chiến không khoan nhượng

Hầu hết những người từng làm việc với Jobs đều nhận xét ông là một người siêu phàm, cực kỳ thông minh, tận tâm nhưng lại khá độc đoán, khắt khe và đòi hỏi cao. Với tính cách như vậy, Jobs dường như rất tự tin vào sản phẩm của mình và không hề e sợ những cuộc đối đầu. Trong lịch sử kinh doanh và sáng tạo của Jobs, ông đã có vô số đối thủ, đặc biệt có thể kể đến cuộc chiến không khoan nhượng giữa Apple và Microsoft, hay nói cách khác là giữa Jobs và Bill Gates.

Mối quan hệ giữa Jobs và Bill Gates phải nói là khá phức tạp. Họ từng là đối tác, đặc biệt, sự ủng hộ của Microsoft rất quan trọng đối với thời kỳ Apple mới ra mắt lẫn thời kỳ Jobs tái thiết Apple. Tuy nhiên, hầu hết thời gian họ lại đối đầu với nhau và dẫn đến kết quả kỳ diệu cho nền công nghệ thông tin. Jobs có ước mơ biến Apple trở thành thương hiệu thống trị lĩnh vực máy tính còn Microsoft sẽ chỉ đứng bên cạnh và phụ thuộc vào Apple, nhưng Bill Gates không đồng ý khi chính ông cũng có những kế hoạch lớn hơn.
 
Jobs luôn buộc tội Microsoft kém sáng tạo và tìm mọi cách để cạnh tranh với công ty này. Từ năm 2003, Jobs nhận ra cạnh tranh với Microsoft trên lĩnh vực máy tính là không thể, ông đã linh động chuyển sang lĩnh vực thiết bị di động. Từ iTunes đến iPod, từ iPhone đến iPad, tất cả đã chứng minh rằng ở lĩnh vực này, Microsoft vẫn chưa thể nào cạnh tranh với Apple.

Với những thành tựu to lớn như vậy, Jobs luôn là biểu tượng sáng chói của nền công nghiệp, là một trong những doanh nhân đáng ngưỡng mộ nhất. Con người Jobs là tổng hòa của tài năng, tính sáng tạo, tài hùng biện và kỹ năng bán hàng hiệu quả. Thêm vào đó, tính khắt khe và đòi hỏi cao, không hề khoan nhượng của Jobs cũng là những tố chất khiến ông đưa Apple lên đỉnh vinh quang như hiện nay.
Theo Doanh nhân Sài Gòn