Nghệ An:
Điều gì khiến ngư dân càng vươn khơi càng thua lỗ?
(Dân trí) - Do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn thủy hải sản ngày một khan hiếm, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại tăng... khiến nhiều ngư dân Nghệ An ngậm ngùi rao bán tàu để đi làm thuê.
Ngư dân cứ ra khơi là thua lỗ
Cảng Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) những ngày đầu năm tàu, thuyền của ngư dân neo đậu chật kín hai bên bờ. Theo anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu), sau những chuyến ra khơi lấy "lộc", phần lớn ngư dân đều tạm dừng kế hoạch ra khơi, neo đậu thuyền để chờ thời điểm thuận lợi.
"Thời tiết không thuận lợi, bây giờ chi phí cho mỗi chuyến ra khơi rất cao nhưng số tiền thu về rất ít nên không mấy ai mặn mà", anh Ngọc buồn bã cho biết thêm.
Một tháng nay, chiếc thuyền đánh cá công suất 320 CV của gia đình, ông Nguyễn Văn Thương (53 tuổi, trú ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu ), hầu như nằm yên một chỗ. Ngồi trên mũi thuyền, mắt hướng ra biển cả xa xăm, ông kể lại: Chuyến đầu năm ra khơi hôm mùng 4 Tết với 7 ngư dân cùng hy vọng một năm thuận buồm xuôi gió, đánh bắt bội thu. Hơn một tuần rong ruổi trên biển, 7 người đành bất lực quay trở về chỉ với vài tạ cá. Trừ chi phí dầu, đá lạnh, chuyến ra khơi này lỗ 10 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhân công.
"Đây đã là chuyến thua lỗ thứ 2 liên tiếp rồi, giờ giá dầu lại tăng phi mã, ra khơi lại không đủ chi phí nên tôi chưa tính chuyến tiếp theo", ông Thương buồn bã nói.
Theo anh Tô Duy Diễn, trú ở xã Tiến Thủy, thị xã Hoàng Mai, tàu đánh cá của anh có công suất trên 1.000 CV, trung bình mỗi chuyến ra khơi từ 12-13 ngày, tiêu tốn trên 7.000 lít dầu. Ngoài ra còn tiền thực phẩm, tiền bảo quản đông lạnh, tiền công lao động cho 11 thuyền viên… Trong khi đó, do dịch bệnh nên hải sản khai thác được tiêu thụ khó khăn, giá dầu liên tục tăng… Mỗi chuyến ra khơi bị lỗ hàng chục triệu đồng.
"Không chỉ phải thêm chi phí do giá dầu tăng cao, giờ nguồn hải sản đánh bắt cũng ngày càng giảm nên giờ anh em xác định ra khơi đánh bắt xa bờ sẽ lỗ nếu không gặp may. Lâu nay chúng tôi chủ yếu đánh bắt ở vùng biển miền Trung, nguồn hải sản ngày càng giảm mạnh. Dự tính sẽ tiến xa hơn vào các vùng biển ở phía Nam để đánh bắt, nhưng giờ chưa thể thực hiện được vì dầu tăng cao quá, càng đi xa thì nguy cơ lỗ càng cao", anh Diễn nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Bám biển mưu sinh từ năm 15 tuổi, ông Nguyễn Văn Thương chưa bao giờ lại có suy nghĩ bỏ biển như hiện nay. Làm việc quần quật cả năm "dầm mưa, dãi nắng" nhưng thu nhập không bằng một số người khác bỏ thuyền đi làm thuê vài tháng.
Những tháng gần đây, tần suất những lần ra khơi của ông Thương cũng giảm gần so với trước. Con thuyền mới đóng khoảng 4 năm với trị giá gần 2 tỷ đồng của ông cũng đã từng được rao bán với giá 400 triệu đồng, song chưa có người mua.
Hết lớp 12, anh Nguyễn Văn Ngọc (trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) bắt đầu theo bố và người thân vươn khơi mưu sinh thay vì tiếp bước giảng đường đại học. Năm 2017, sau khi Nghị định 67 ra đời hỗ trợ lãi suất vay cho ngư dân đóng tàu, anh Ngọc chung với 9 người khác đóng con tàu vỏ sắt trị giá 7,5 tỷ đồng.
"Từ năm 2019 đến nay, mất mùa biển, tàu ra khơi toàn bị lỗ khiến nợ không trả được, nay những ngư dân khác đã rút vốn, chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định hơn, chỉ còn mỗi anh vẫn còn bám trụ, gắng trả nợ", anh Ngọc nhớ lại.
Sau nhiều tháng để tàu nằm bờ vì đánh bắt thua lỗ, ngày mùng 6 Tết, anh Ngọc thuê thêm 6 lao động ra khơi lấy "lộc" đầu năm. Sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, con tàu công suất 500 CV của anh đành phải quay về dù khoang chứa cá vẫn còn trống không.
"Chuyến này đi tốn hết 3.000 lít dầu, kể cả các chi phí khác thì kể ra lỗ gần 50 triệu đồng, cứ đà này thì phải bán tàu thôi, khổ nỗi giờ bán cũng không ai mua", anh Ngọc nói.
Theo ông Hồ Đình Quy, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, từ năm 2019, ngư dân gặp nhiều khó khăn do đánh bắt cá bị thất thu. Toàn xã chỉ còn 40 tàu đánh cá, trong đó có 17 tàu dài trên 15m, giảm gần một nửa so với năm 2018.
"Người dân bây giờ cứ ra khơi là thua lỗ, nhiều người đang có ý định rao bán thuyền để đi làm thuê nhưng không có người mua. Đánh bắt cá không năng suất, thu nhập bấp bênh, nhu cầu không có nên chẳng ai muốn sắm tàu nữa. Giờ đội ngũ lao động trẻ tại địa phương cũng đi xuất khẩu lao động hoặc làm các công ty…" , ông Quy cho biết thêm.