Điểm yếu chết người khiến sinh viên đại học... thất nghiệp nhiều

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cử nhân đại học chưa chắc giỏi những kỹ năng cụ thể ứng dụng vào công việc bằng một kỹ thuật viên trình độ sơ cấp.

Điểm yếu chết người khiến sinh viên đại học... thất nghiệp nhiều - 1

Doanh nghiệp tại TPHCM cần nhiều lao động có trình độ nghề (Ảnh minh họa: Hải Long).

Năm 2022, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) thực hiện khảo sát trên gần 80.000 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 273.000 lao động.

Kết quả cho thấy, gần 86% vị trí việc làm mà doanh nghiệp tuyển dụng cần lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Điểm nổi bật của thị trường là nhu cầu nhân sự trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) có tỷ lệ áp đảo so với nhu cầu nhân sự trình độ đại học trở lên.

Cụ thể, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên là 20,19%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng là 19,55%; trình độ trung cấp là 28,64%; trình độ sơ cấp là 17,4 (tổng nhu cầu nhân lực trình độ nghề là 65,59%).

Trong năm 2022, Falmi cũng tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc của gần 140.000 người. Kết quả cho thấy, 78,86% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, số người có trình độ cao đẳng đi tìm việc chỉ chiếm 13,93%; trình độ trung cấp là 3,14%; trình độ sơ cấp chỉ là 1,61% (số người trình độ nghề đi tìm việc chiếm 18,68% tổng nguồn cung).

Kết quả khảo sát trên cho thấy, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cần rất nhiều lao động có trình độ nghề nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần, còn lao động có trình độ đại học trở lên lại dư thừa.

Điểm yếu chết người khiến sinh viên đại học... thất nghiệp nhiều - 2

Chênh lệch cung cầu nhân lực về trình độ chuyên môn trên thị trường lao động TPHCM năm 2022 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Nghịch lý trên dẫn đến tình trạng lao động có trình độ đại học phải làm trái ngành, hoặc làm những vị trí công việc chỉ cần trình độ cao đẳng, trung cấp, thậm chí là sơ cấp, gây lãng phí chi phí đào tạo của xã hội.

Không những vậy, lao động được đào tạo hệ đại học có kiến thức chuyên môn sâu và rộng nhưng kỹ năng thực hành không được chú trọng nhiều như lao động trình độ nghề. Do đó, dù nhiều cử nhân chấp nhận "hạ bằng", thậm chí "giấu bằng", đi làm công việc chỉ cần trình độ nghề cũng không chắc đạt hiệu quả bằng nhân viên kỹ thuật.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Falmi cũng cho thấy, 7 yếu tố gây khó khăn cho công tác tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM thì yếu tố "lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp" đứng hàng đầu với 26,22% lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Trình độ ở đây không phải là bằng cấp đại học mà là kỹ năng làm việc phù hợp. Những ngành đào tạo ở cấp học càng thấp thì càng được chia nhỏ ra, kiến thức chuyên môn hẹp hơn nhưng kỹ hơn về kỹ năng thực hành.

Thậm chí, có những nghề sơ cấp chỉ học một vài buổi là biết làm, phần còn lại là thực hành để rèn luyện tay nghề như nghề hàn, tiện, làm bếp… Trong khi đó, cử nhân đại học chưa chắc giỏi một kỹ năng cụ thể ứng dụng vào công việc bằng kỹ thuật viên trình độ sơ cấp.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên ở các đô thị lớn như TPHCM chỉ dao động trong tỷ lệ 15% - 20% tổng nhu cầu nhân lực, ở các tỉnh thì tỷ lệ này càng thấp hơn. Trong khi đó, nguồn cung lao động trình độ đại học lại quá cao, dẫn đến thực trạng là nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp không tìm được việc làm.

Theo ông, trong thời gian tới, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu công tác phân luồng vào trường nghề không được cải thiện một cách thực chất. Bởi xu hướng của thị trường hiện nay là nhu cầu lao động có trình độ nghề sẽ tăng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.